80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng máy bay - đây sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch nCoV
Đánh giá sơ bộ về tác động của dịch nCoV đến kinh tế thế giới và Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tại và Nghiên cứu BIDV cho rằng, ngành hàng không sẽ chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh này khi 80% khách quốc tế đến Việt Nam là bằng máy bay.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá sơ bộ tác động của dịch nCoV tới kinh tế thế giới, Trung Quốc (tâm dịch) và kinh tế Việt Nam, vận tải hàng không sẽ là loại hình vận tải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh này.
Trung Quốc là nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, trong đó 70% sử dụng hình thức vận tải hàng không. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc thăm Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt khách, chiếm tới 40,36% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam.
Trong tháng 1/2020, ngành du lịch Việt Nam chưa chịu tác động từ dịch nCoV và vẫn tăng trưởng khả quan; với lượng khách Trung Quốc đạt 644,7 nghìn lượt (chiếm 33% tổng lượng khách quốc tế), tăng hơn 15% so với tháng 12/2019 và tăng 72,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dự kiến lượng khách Trung Quốc và một số nước châu Á du lịch Việt Nam và du khách Việt Nam sang các nước trong khu vực sẽ giảm mạnh từ tháng 2/2020 khi từ ngày 28/01/2020, Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước đã đình chỉ nhiều hoạt động du lịch và các tour du lịch nước ngoài của công dân nước mình; cũng như những lo ngại, hạn chế du lịch của bản thân người dân và khách du lịch đối với dịch nCoV. Vì vậy, bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm từ tháng 2/2020 và có thể đến hết quý 2/2020.
Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam du lịch Trung Quốc đạt khoảng 6,5 triệu lượt trong số gần 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài (trong đó, khoảng 80% đi du lịch châu Á – theo ASEAN Travel). Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch nCoV của Trung Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh thu du lịch từ khách Trung Quốc và Châu Á mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp du lịch lữ hành của Việt Nam (đặc biệt với các doanh nghiệp có thị trường trọng tâm là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản)... do bị hoãn, hủy hoặc không đăng ký thêm tour và khách du lịch sang các nước này.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới.
Với sự suy giảm như trên của khách du lịch, báo cáo đánh giá cho biết, ngành giao thông vận tải (nhất là nhóm các nhà cung cấp dịch vụ vận tải liên quan đến ngành du lịch) sẽ chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh nCoV.
Xét theo loại hình vận tải, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 70%) năm 2019 (theo Tổng cục Du lịch). Doanh thu khoảng 200 nghìn tỷ VND, đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 0,1%. Đây là ngành sẽ chịu tác động tiêu cực trực tiếp và rõ nét nhất, dự báo sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của ngành giảm mạnh trong quý 1, quý 2 và cả năm 2020 - tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra 3 giả định tăng trưởng ngành hàng không trước tác động của dịch nCoV. Ở kịch bản cơ sở, lĩnh vực giao thông - vận tải, là hoạt động hỗ trợ ngành du lịch, với trọng tâm là vận tải hàng không. Với đà giảm của du lịch cùng với tâm lý ngại di chuyển và tụ tập động người, dự báo ngành vận tải hàng không sẽ giảm khá mạnh (khoảng 30%) trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019, khiến GDP giảm 0,03 điểm %. Trong quý 2, vận tải hàng không vẫn còn nhiều khó khăn và giảm khoảng 25%, khiến GDP giảm 0,025 điểm %. Nửa cuối năm, dự báo ngành này sẽ phục hồi; nhưng tính chung cả năm 2020, vận tải hàng không có thể vẫn giảm khoảng 20% và khiến GDP giảm 0,02 điểm %.
Với kịch bản cơ sở này, nhóm nghiên cứu cho rằng, GDP năm 2020 Việt Nam sẽ giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %.
Ở kịch bản tích cực là dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Ngành dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 25%, quý 2 giảm 15% và cả năm giảm 15%. Với diễn biến như vậy, GDP Việt Nam quý 1 có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.
Với kịch bản tiêu cực dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 40%, quý 2 giảm 30% và cả năm giảm 30%. Theo kịch bản này, do dịch bệnh, GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.
Cùng chung quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh do virus nCoV tới nền kinh tế Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Corona gây ra.
Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1/2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.
Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý 1 (và chỉ tăng 3,5% trong quý 2 theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý 2).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận