70 thương vụ IPO của các công ty Trung Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Các công ty Trung Quốc "rục rịch" hủy phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ sau khi Bắc Kinh ra quyết định thắt chặt giám sát các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch nước ngoài. Hàng chục thương vụ IPO từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đang lâm nguy.
Bloomberg đưa tin, việc các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường kiểm soát niêm yết ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã đe dọa khoảng 70 đợt IPO của các công ty từ Hồng Kông và Trung Quốc, vốn có kế hoạch huy động vốn ở New York.
Đại diện các ngân hàng đầu tư lớn nhất hiện nay cho biết, hầu hết các đợt IPO của các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch của Mỹ sẽ bị đình chỉ hoặc chuyển sang các sàn giao dịch nước khác.
Kenneth Ho, Giám đốc điều hành Thị trường vốn tại Haitong International, nói với Bloomberg, một số công ty Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc chuyển sang niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) thay vì Mỹ như kế hoạch ban đầu.
Một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên hoãn IPO là LinkDoc Technology, một start-up về dữ liệu y tế. Công ty này đã thay đổi ý định niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ và tạm dừng việc chuẩn bị cho IPO một ngày sau khi chốt sổ quyền mua trong đợt phát hành.
LinkDoc nộp hồ sơ IPO vào tháng trước và dự kiến sẽ công bố giá tham chiếu sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7. Công ty dự kiến sẽ huy động được hơn 200 triệu USD trong đợt IPO.
Tiếp đó, nhà phát triển ứng dụng thể dục Keep cũng đã quyết định hoãn IPO tại Phố Wall. Đây là công ty với khoản đầu tư từ hai tên tuổi SoftBank của Nhật Bản và Tencent của Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch huy động tới 500 triệu USD thông qua IPO tại xứ cờ hoa. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nền tảng podcast lớn nhất Trung Quốc Ximalaya. Ximalaya đã lên kế hoạch huy động ít nhất 500 triệu USD.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã bắt đầu tiến hành một cuộc rà soát, kiểm tra tính bảo mật dữ liệu cá nhân đối với Didi Global - ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Trung Quốc. Cuộc điều tra khởi động hai ngày sau khi Didi Global niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Cùng với đó, hãng bị yêu cầu tạm gỡ ứng dụng khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc và dừng đăng ký người dùng mới trong quá trình điều tra. Cổ phiếu Didi Global cũng lao dốc không phanh kể từ đó.
Ngoài ra, CAC còn cho biết đang điều tra Huochebang và Yunmanman (hai công ty nằm trong quyền sở hữu của Full Truck Alliance) và Boss Zhipin, một trang tuyển dụng do Kanzhun vận hành.
Kanzhun kêu gọi được 912 triệu USD trong đợt IPO tại Mỹ vào tháng 6. Full Truck Alliance, còn được biết đến với biệt danh "Uber ngành xe tải" cũng niêm yết ở Mỹ hồi tháng trước và kêu gọi được 1,6 tỷ USD.
Hôm 6/7, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo rằng họ có ý định tăng cường giám sát đối với tất cả các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài. Bắc Kinh sẽ ngăn chặn và nghiêm khắc trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và giao dịch nội gián.
Vào cuối tuần trước, CAC tuyên bố sẽ tiến hành kiểm tra an ninh đối với các công ty có kế hoạch tham gia vào các sàn giao dịch nước ngoài. Các quy tắc mới sẽ áp dụng cho các công ty Trung Quốc muốn IPO ở nước ngoài và có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng. Họ cũng sẽ phải gửi tài liệu IPO, dự định cung cấp cho các sàn giao dịch nước ngoài trước khi niêm yết, cho CAC.
Bloomberg ước tính, trong 10 năm qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được hơn 75 tỷ USD nhờ các đợt IPO tại Mỹ. Riêng năm 2021, tính đến nay đã có 37 công ty Trung Quốc đăng ký trên các sàn giao dịch của Mỹ, nhiều hơn con số của cả năm ngoái. Số vốn huy động được từ 37 thương vụ trên đã đạt 12,9 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận