24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

70% nguồn lực của chiến lược tăng trưởng xanh đến từ khu vực tư nhân

Theo tính toán Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD.

Ngày 8/4, Diễn đàn nhịp cần phát triển Việt Nam 2022 với chủ đề: “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh& phát triển bền vững” đã tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

Chân trời mới có kinh tế xanh

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc, trong đó có đại dịch Covid-19, chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dung hiện tại.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, toàn cầu hóa 4.0 với đặc trưng là các tiến bộ công nghệ lại mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có.

70% nguồn lực của chiến lược tăng trưởng xanh đến từ khu vực tư nhân
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Diễn đàn.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia đều có nhu cầu tìm kiếm các mô hình quản trị phù hợp với bối cảnh mới, các mô hình đề cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo để vượt qua khủng hoảng cũng như đặt nền móng cho việc xây dựng đất nước - xã hội an toàn, phồn vinh và bền vững hơn. Tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân.

Các mục tiêu phát triển đang được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, nhấn mạnh về chất thay về chỉ chú trọng đến lượng. Từ kinh nghiệm quốc tế, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của các chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.

"Trước những con sóng dữ dội của thời cuộc, một nền kinh tế có độ hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới như Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi những chấn động. Nhưng với tâm thế sẵn sàng chủ động vượt qua mọi bão giông, biến thách thức thành cơ hội, chúng tôi nhìn nhận quá trình phục hồi hậu đại dịch mở ra chân trời mới để xây dựng nền kinh tế xanh phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra", Thứ trưởng khẳng định.

Vai trò quan trọng của khu vực tư nhân

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là những quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.

Theo ông Thi, qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, ông Thi cũng chỉ ra rằng nền kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả; ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao,..

Ông Thi nhấn mạnh, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình “tăng trưởng xanh”.

Khẳng định nếu chậm xanh hoá nền kinh tế, Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: "Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm 'xanh hóa' các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.

Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là 'cạnh tranh xanh. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh".

70% nguồn lực của chiến lược tăng trưởng xanh đến từ khu vực tư nhân
TS. Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới cho biết để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực, TS. Tạ Đình Thi khẳng định cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

"Một lần nữa, chúng ta thấy rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực tư nhân trong công cuộc kiến tạo và hình thành những giá trị phát triển", ông Thi nói.

Trên cơ sở các phân tích trên, ông nhấn mạnh, thời điểm này chính là lúc cần cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, để lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả.

Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn để giải bài toán kinh tế xanh.

"Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm", ông Thi nhấn mạnh.

"Trên" nóng "dưới" có nóng?

Ở phương diện của địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM cho biết nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, và tăng trưởng xanh, từ nhiều năm qua Tp. HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương nhằm cụ thể hóa hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Tp. HCM đã xác định có 3 nhiệm vụ: giảm cho bằng được cường độ phát thải khí nhà kính; tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất, đời sống tiêu dùng.

“Thời gian qua thành phố đã thực hiện tốt 3 trụ cột của phát triển là kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, để phát huy kết quả đạt được, kịp thời thích ứng với những dự báo về sự thay đổi của kinh tế xã hội trong và ngoài nước thành phố đề ra”, ông Hoan đánh giá.

70% nguồn lực của chiến lược tăng trưởng xanh đến từ khu vực tư nhân
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM cho biết thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 51 chương trình và đề án trong 3 chương trình đột phá. Đó là chương trình đột phá về đổi mới quản lý; chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá về phát triển nhân lực.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; triển khai thực hiện đề án phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.

Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết Tp. HCM sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, giải quyết những điểm nghẽn kìm hãm phát triển thành phố nhất là triển khai ngay giải pháp mạnh. Nút thắt đầu tiên đó chính là hạ tầng đô thị thành phố sẽ sớm hoàn thành việc lập quy hoạch thành phố.

Cũng chia sẻ góc nhìn từ địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định Đồng Nai rất quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra đây trở thành những mục tiêu phát triển.

“Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, sử dụng ít lao động hơn, và đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot. Đây là một xu thế góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh”, bà Hoàng thông tin.

Bà Hoàng cho biết, trong thời gian tới, Đồng Nai cũng được thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch là 6,500 héc đất cho phát triển khu công nghiệp. Dự kiến Đồng Nai sẽ hình thành 8 khu công nghiệp nữa. Đối với khu công nghiệp mới chúng tôi ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái và trong các khu công nghiệp này cũng giành quỹ đất để bố trí nhà ở xã hội cho người lao động..

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả