7 hồ chống ngập của TP HCM mãi 'trên giấy'
Thiếu quỹ đất và chưa có định mức đơn giá, quy chuẩn kỹ thuật khiến các dự án hồ điều tiết chống ngập vẫn "trên giấy", dù thành phố muốn làm từ nhiều năm trước.
Giải pháp xây hồ điều tiết tại TP HCM được đặt ra cách đây hơn 10 năm, trước dự báo tình hình biến đổi khí hậu, tình trạng ngập ngày càng tăng. Tuy nhiên, do chưa có kế hoạch chi tiết, đến năm 2015 cơ quan điều hành chống ngập tại thành phố mới đề xuất một số dự án hồ điều tiết lớn để giải quyết yêu cầu cấp bách cho các khu vực thường ngập nặng.
Trong đó, quy mô lớn nhất là hồ Gò Dưa (TP Thủ Đức) với diện tích hơn 20 ha, tổng mức đầu tư dự tính hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài xây hồ, khoảng 15 km các kênh rạch xung quanh sẽ được nạo vét; hệ thống trạm bơm công suất lớn hỗ trợ chống ngập khi mưa kết hợp triều cường cũng được xây dựng. Dự án khi hoàn thành có thể chống ngập khoảng 1.300 ha cho khu vực và cải thiện môi trường.
Cùng dự án trên, thời điểm đó thành phố tính làm hai hồ điều tiết khác diện tích nhỏ hơn, gồm hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha, mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng và hồ tại công viên Bàu Cát (quận Tân Bình) quy mô 0,4 ha, kinh phí 50 tỷ đồng. Sau các buổi giám sát và làm việc của thành phố, do tính khả thi chưa được làm rõ, còn vướng mắc thủ tục đầu tư... nên kế hoạch triển khai tạm dừng.
Hồ điều tiết chống ngập thí điểm trước Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức quá nhỏ không thể thu hết nước trên đường Võ Văn Ngân mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Giang Anh
Đến cuối năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập (nay thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) đề xuất xây 7 hồ điều tiết ở các quận huyện với tổng đầu tư khoảng 475 tỷ đồng. Các hồ ngầm dự kiến áp dụng công nghệ Cross-wave của Nhật Bản, vật liệu Polypropylene với độ bền cao, dễ thi công, không gian trữ nước tới 90%, thân thiện môi trường...
Để đo tính hiệu quả trước khi đề xuất các dự án, một năm trước đó thành phố đã cho phép Công ty Sekisui (Nhật Bản) xây thí điểm một hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Hồ dài 10 m, rộng 9 m, sâu 2,5 m chứa được hơn 100 m3 nước.
Sau khi đánh giá công trình có nhiều ưu điểm, 7 dự án được các bên liên quan đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, các dự án gặp khó khăn khi vị trí xây hồ vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật nên không thể triển khai.
Năm ngoái, thành phố duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, trong đó kế hoạch làm 7 dự án hồ điều tiết, gồm một hồ hở và 6 hồ ngầm tiếp tục được dự định triển khai 4 năm tới. Ngoài hồ Gò Dưa xây hở dự kiến thực hiện với quy mô như trước đây, một số hồ khác điều chỉnh lại vị trí.
Trong đó, tại quận Gò Vấp, hai hồ điều tiết ngầm dự tính xây tại các công viên bên đường Nguyễn Văn Khối, phường 8 và 9 tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng tỷ đồng. Tại quận Bình Thạnh, hai hồ được dự kiến xây ở khuôn viên cây xanh đường Tân Cảng (32 tỷ đồng) và dưới vỉa hè khu vực đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh (50 tỷ đồng).
Hai dự án còn lại ở Phú Nhuận và quận 10, gồm hồ ở đường Phan Xích Long (hơn 55 tỷ đồng) và đường Ba Tháng Hai (71 tỷ đồng). Các dự án hồ điều tiết ngầm này đều áp dụng công nghệ Cross-wave, tổng dung tích khoảng 17.000 m3.
Trần mưa kéo dài vào chiều 2/6 khiến đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, ngập sâu. Khu vực này được dự tính xây hồ điều tiết chống ngập. Ảnh: Quỳnh Trần
Từng nhiều năm tham gia các dự án chống ngập, ông Phi nói thiếu quỹ đất là khó khăn lớn nhất trong triển khai các dự án hồ điều tiết ở thành phố. Điều này khiến tham vọng xây hồ hở quy mô hàng chục ha khó khả thi. Còn việc xây ngầm như dự án thí điểm ở đường Võ Văn Ngân, lại gặp vướng mắc vì chưa có đơn giá định mức, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể, nên thiếu cơ sở để triển khai.
"Vấn đề kỹ thuật hoàn toàn có thể giải quyết, song vướng mắc chính hiện là cơ chế, thủ tục thực hiện", ông Phi nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP HCM), cho rằng giải pháp xây hồ điều tiết được nhiều nước làm từ lâu. Tại Nhật Bản, các hồ ngầm hiện đã hình thành cả hệ thống, ngoài chống ngập còn tích trữ nước, giảm ô nhiễm...
"TP HCM đã chậm trễ, nhưng vẫn phải làm các hồ điều tiết để giải quyết yêu cầu bức thiết của đô thị. Càng để lâu, quỹ đất càng trở nên khan hiếm cũng như chi phí đầu tư tăng lên sẽ khó thực hiện", ông Bá nói. Chuyên gia cho rằng dự án hồ điều tiết không phải chỉ tạo các vùng trũng thu nước tự do mà cần hệ thống cống thiết kế phù hợp với chống ngập của khu vực.
Báo cáo mới đây của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM), năm 2022 thành phố có thể xảy ra ngập ở 15 điểm, tập trung các quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, TP Thủ Đức... Trận mưa lớn vào chiều 2/6 khiến nhiều tuyến đường ở các địa bàn trên ngập gần nửa mét.
Gia Minh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận