6.600 tỷ hỗ trợ nhà ở: Cần tối giản thủ tục để người lao động sớm nhận tiền
Theo bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp VSIP TPHCM, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng là chính sách kịp thời giúp lao động nghèo sau dịch Covid-19 nhưng cần tối giản các thủ tục.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngay sau Tết Nhâm Dần (ngày 7/2/2022), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng (một phần trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) sẽ được dành để giúp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm tiền thuê trọ trong 3 tháng.
Cụ thể, 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang phải thuê trọ, làm việc ở công ty, doanh nghiệp (mức 500 nghìn đồng người/thángx3 tháng) và người lao động quay lại thị trường lao động (mức 1 triệu đồng/người/tháng x3 tháng).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, gói hỗ 6.600 tỷ đồng là chính sách an sinh thiết thực, kịp thời và là đòn bẩy để người lao động vực dậy sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cùng với Nghị quyết 68, Nghị quyết 116... của Chính phủ, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến đời sống công nhân, người lao động.
"Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng thực sự cấp thiết và mọi người lao động đều mong được hưởng chính sách này, đặc biệt là những lao động xa quê lên thành phố làm việc. Gói hỗ trợ này sẽ giúp công nhân, người lao động có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, sau một năm quá nhiều khó khăn", bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp VSIP chia sẻ.
Bà Chi cho biết, Công đoàn Khu Công nghiệp VSIP đang quản lý 155.000 công nhân. Dù ngành công đoàn đã có nhiều hỗ trợ nhưng đời sống nhiều công nhân vẫn rất khó khăn khi bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Do vậy, họ mong ngóng nhận được gói hỗ trợ 6.600 tỷ từng ngày, từng phút.
"Tôi kiến nghị cần tối giản nhất có thể các thủ tục để người lao động sớm nhận tiền hỗ trợ vì đây đang là lúc họ khó khăn nhất. Hiện, công nhân đã đi làm trở lại nên nếu phải xin nghỉ nhiều ngày để đi làm thủ tục nhận hỗ trợ thì sẽ rất khó cho người lao động. Thiết nghĩ, cơ quan thực hiện cần có hướng hỗ trợ giải quyết thủ tục nhanh để người lao động có thể nhận tiền sau 7 - 10 ngày làm thủ tục", bà Chi nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam kiến nghị, khâu lập danh sách công nhân hỗ trợ cần đưa về các công ty, nhà máy, xí nghiệp... để việc hoàn thiện hồ sơ được nhanh nhất.
"Hiện nay, Chính phủ đã giao việc lập danh sách hỗ trợ cho các phường, xã. Tuy vậy, không ít người lao động sẽ gặp khó khi lập danh sách ở địa phương. Do vậy, tôi kiến nghị chuyển việc này về cho các công ty, sau khi công ty duyệt hồ sơ thì chuyển qua cho các cơ quan chức năng duyệt. Như vậy việc chi trả tiền hỗ trợ sẽ thống nhất và nhanh hơn", ông Đại nói.
Theo ông Đại, qua khảo sát, mỗi công nhân phải chi khoảng một triệu đồng/tháng trả tiền nhà trọ. Khoản chi phí này chiếm khoảng 25% lương cơ bản. Tuy vậy, điều kiện sống tại các khu nhà trọ hiện rất hạn chế, tù túng, nóng nực, chưa đảm bảo sức khỏe, đời sống cho người lao động. Ông mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân để người lao động có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận