57 triệu người Việt Nam mua sắm online: "Điểm sáng" kinh tế số
Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo năm 2023 và các năm tiếp theo Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện đang giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội.
Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, khiến mức tăng cả năm 2022 chỉ ngưỡng 2,7%. Dự báo năm 2023, mức tăng còn xuống ngưỡng 1,7%, thấp hơn một điểm phần trăm so với năm trước.
Nền kinh tế Việt Nam cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: suy giảm đơn hàng, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số Việt Nam là điểm sáng.
Dẫn số liệu của báo cáo của Google, Temasek, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng Kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.
Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến tăng trưởng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào 2025. Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực TMĐT.
Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022 và luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương kỳ vọng những năm tiếp theo thị trường này sẽ phát triển hơn nữa, tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp lấy đà phục hồi.
Thông tin về tình hình chuyển đổi số ngành Công Thương đến năm 2030, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương đã chuyển từ giai đoạn chính phủ điện tử sang chính phủ số. Trong đó, cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 96,6% trực tuyến toàn trình, tỉ lệ hồ sơ số hóa chiếm hơn 93% trên cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương… Bộ Công Thương đang xếp vị trí đầu về dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về kinh tế số, Bộ Công Thương tập trung chuyển đổi số trong TMĐT, công nghiệp và năng lượng. Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ TMĐT đạt 20-25%, tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Điển hình như ngành năng lượng đã tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới điện tử, kết nối đồng hồ đo điện, tăng sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố mạng lưới, tiết kiệm năng lượng…
Diễn đàn TMĐT và kinh tế số 2023 được tổ chức nhằm đánh giá về thực trạng, định hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ngành Công Thương, đồng thời, kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Bộ cũng như doanh nghiệp trong ngành, tạo động lực phát triển kinh tế số theo hướng tập trung, hiệu quả, xanh và bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra triển lãm công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng TMĐT của 20 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và nước ngoài.
57 triệu người Việt Nam mua sắm online
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng Giám đốc Lazada tại Việt Nam cho biết, theo khảo sát và thống kê của sàn TMĐT này, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng…
"Đáng chú ý, 43% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày", ông Dũng nói và khẳng định, mua sắm trên TMĐT đã trở thành thói quen của người dùng Việt.
Để phát triển kinh tế số và TMĐT trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường TMĐT bền vững; thu hẹp khoảng cách số…
Ngoài ra, cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT và kinh tế số.
Bên cạnh đó, đại diện các sàn TMĐT trong và ngoài nước nhận định, mua sắm online, TMĐT ở Việt Nam mới chỉ phát triển bước đầu, còn rất nhiều dư địa nên sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận