50 triệu cổ phần không người đại diện tại Saigonbank?
Dù xếp thứ 3 trong danh sách 4 cổ đông lớn, song diễn biến khá bất ngờ là Du lịch Thương mại Kỳ Hòa lại không có đại diện trong HĐQT tại Saigonbank - nhà băng sắp sửa lên sàn HNX.
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 22/7 vừa có quyết định chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) được đăng ký giao dịch cổ phiếu tại HNX. Theo đó, mã chứng khoán của Saigonbank sẽ là SGB với mệnh giá niêm 10.000 đồng/CP; số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 308 triệu cổ phiếu.
Theo bản công bố thông tin, cơ cấu cổ đông của Saigonbank khá cô đặc, gồm 4 cổ đông lớn, nắm 200,995 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 65,25%. Số lượng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng là 201,375 triệu cổ phiếu.
Cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 18,18% vốn. Xếp sau là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (16,64%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14,08%.
Trong đó, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank đang là đại diện phần vốn góp của các cổ đông là Văn phòng Thành ủy TP. HCM và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận; trong khi Thành viên HĐQT Trần Thị Phương Khanh đại diện cho Saigon Petro. Điều khá bất ngờ là theo bản công bố thông tin, dù xếp thứ 3 trong danh sách 4 cổ đông lớn, song Du lịch Thương mại Kỳ Hòa lại không có đại diện trong HĐQT tại Saigonbank.
Ngoài ông Lãm và bà Khanh, HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2019-2024 còn có 4 thành viên là ông Trần Thanh Giang; ông Trần Quốc Thanh; ông Nguyễn Cao Trí và một thành viên độc lập là bà Phạm Thị Kim Lệ. Trong đó, ông Nguyễn Cao Trí được bầu vào HĐQT Saigonbank tháng 10/2019. Doanh nhân sinh năm 1970 được biết đến nhiều với hệ sinh thái Địa ốc Bến Thành và Capella Holdings - đã được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết cách đây không lâu.
Nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank tăng 42% so với cùng kỳ lên 125 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm. Dù mức lãi còn mang nặng tính kỹ thuật (giảm mạnh trích lập dự phòng tới 86% xuống còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng), song đây vẫn là kết quả có thể coi là chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2020 của Saigonbank là 20.569 tỷ đồng, giảm 10% so với cuối năm 2019. Trong đó giảm mạnh nhất là tiền gửi tại các TCTD khác, giảm hơn 1.400 tỷ đồng, sau đó là cho vay khách hàng giảm 3% còn 14.037 tỷ đồng.
Tổng tài sản giảm nhưng khoản mục tài sản có khác lại tăng mạnh thêm gần 25% lên mức 432 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu tăng; lãi phí phải thu đều tăng lần lượt 45% và 33%.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng đến 30/6 tăng gấp 2,4 lần so với cuối năm 2019 lên mức 2.844 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là cam kết giao dịch ngoại hối ở mức 2.436 tỷ đồng.
Trong BCTC quý 2/2020, SaigonBank không có bản thuyết minh chi tiết nên không rõ mức nợ xấu cụ thể . Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra, HĐQT ngân hàng cho biết, đối với việc xử lý nợ tồn đọng, ngân hàng sẽ sử dụng các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm xử lý cơ bản nợ xấu, tăng thu nhập; kiểm soát nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các tài sản là bất động sản do Ngân hàng đang quản lý, tăng cường cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết nhằm tăng thu nhập cho ngân hàng.
Đối với việc thoái vốn góp tại đơn các vị khác, không đem lại hiệu quả cho ngân hàng, ban lãnh đạo Saigonbank cho biết đã có kế hoạch thoái vốn ở một số đơn vị như Ngân hàng Bản Việt, Quỹ bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa. Tuy nhiên ngân hàng phải phải lựa thời điểm thích hợp để thoái vốn để không bị lỗ.
Năm 2020, Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22.968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5%, đạt 16.336 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận