5 tỉ đồng chi khống vào túi ai?
Theo kết luận Thanh tra Bộ Tài chính chưa đủ căn cứ để khẳng định công chức thuế và hải quan tỉnh Bắc Ninh nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Công ty TNHH Tenma Việt Nam.
Thanh tra Bộ Tài chính kết luận chưa đủ căn cứ để khẳng định công chức thuế và hải quan tỉnh Bắc Ninh nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Công ty TNHH Tenma Việt Nam (Tenma VN) khi tổng giám đốc và giám đốc nhân sự của công ty này đã về Nhật Bản.
Số tiền này mới chỉ được xác định là các khoản chi khống trong nội bộ công ty... không có hóa đơn, hợp đồng mua bán.
Trưởng đoàn gửi nhiều biên bản xác định sai số thuế
Đó là nội dung chính trong kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, đầu tháng 5.2020, một loạt hãng thông tấn của Nhật Bản đã đăng tin Công ty sản xuất nhựa Tenma (công ty mẹ của Tenma VN) có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã tự nguyện báo với công tố viên quận Tokyo về việc đã hối lộ 2 lần với tổng số tiền khoảng 25 triệu yen (hơn 5 tỉ đồng) cho một số quan chức hải quan và ngành thuế tại Bắc Ninh để được giảm thuế.
Liên quan vụ việc, Tổng cục Hải quan đã quyết định tạm đình chỉ công tác 6 công chức, trong đó có ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan đối với Tenma VN). Tổng cục Thuế cũng đình chỉ 5 công chức, trong đó có ông Phạm Đức Thường, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, trong thời kỳ kiểm tra sau thông quan từ tháng 2.2012 - 6.2017, Tenma VN đã nhập khẩu khuôn đúc tại 211 tờ khai với trị giá trên 18,6 triệu USD (khoảng 404 tỉ đồng) và đã xuất khẩu số hàng trị giá trên 22,76 triệu USD (hơn 493 tỉ đồng)… Việc kiểm tra của hải quan tỉnh Bắc Ninh chưa tổng hợp đầy đủ nội dung kiểm tra, có ngày làm việc nhưng không ghi nội dung làm việc cụ thể, không tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm của cuộc kiểm tra.
Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng Tenma VN là doanh nghiệp (DN) chế xuất nên không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và việc khai báo của công ty này phù hợp với quy định của pháp luật. Tenma VN không trốn thuế trong quá trình nhập khẩu linh kiện để sản xuất, xuất khẩu khuôn đúc.
Về chính sách thuế, từ tháng 8.2019, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra tại Tenma VN và đã truy thu số thuế thu nhập DN đối với dịch vụ sửa chữa khuôn không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế trên 387,7 tỉ đồng. Kết quả thanh tra chỉ rõ, đoàn kiểm tra còn một số tồn tại như ghi sai tên thành viên đoàn; ghi nhật ký đoàn kiểm tra không đúng với thực tế thực hiện; chưa phát hiện được chi phí bất hợp lý DN đã hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 là hơn 2 tỉ đồng. Đặc biệt, Trưởng đoàn kiểm tra (ông Nguyễn Đức Tuấn, Cục Thuế Bắc Ninh) đã chuyển cho công ty nhiều bản dự thảo biên bản kiểm tra thuế xác định không đúng số thuế mà công ty này phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế...
5 tỉ đồng chi khống
Đối với khoản tiền hơn 25 triệu yen, kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính làm rõ gồm 2 khoản.
Khoản thứ nhất 10 triệu yen (khoảng 2,1 tỉ đồng): năm 2017, kế toán trưởng của Tenma VN đã rút tiền từ ngân hàng về sau đó lập phiếu kế toán chi tạm ứng cho bà Lê Thị Chinh (bộ phận hành chính của công ty) ghi để mua vật tư và dụng cụ sửa chữa; lập các phiếu kế toán hoàn ứng và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh nhưng không có chứng từ gốc (hóa đơn, hợp đồng mua bán).
Danh sách những người ký tên trên phiếu chi tạm ứng gồm Tổng giám đốc Yoshida Haruhiko, kế toán, thủ quỹ… Ngày 30.3.2020, Tenma VN đã nộp tờ khai quyết toán thu nhập DN năm 2017 (bổ sung lần 2) loại trừ các khoản chi phí 2,1 tỉ đồng ra khỏi thu nhập chịu thuế năm 2017 và nộp bổ sung thuế gần 200 triệu đồng, tiền chậm nộp gần 35 triệu đồng.
Khoản thứ 2 là 15 triệu yen (3 tỉ đồng), số tiền này được Tenma VN ghi chi cho Tổng giám đốc Yoshida để tạm ứng mua đồ. Công ty đã thực hiện tất toán số nợ bằng cách hạch toán vào chi phí khác để xác định kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019. Các chứng từ, phiếu kế toán đều không có hóa đơn, hợp đồng kèm theo. Đến tháng 3.2020, Tenma VN nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN năm 2019, cũng đã loại trừ 3 tỉ đồng này ra khỏi chi phí khi tính thu nhập chịu thuế.
Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định Cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã xử lý về thuế đảm bảo theo quy định của pháp luật, không làm thất thu tiền ngân sách nhà nước. Việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng trong nội bộ của Tenma VN liên quan trực tiếp đến người của công ty.
Tổng giám đốc Yoshida Haruhiko về Nhật từ năm 2019 đến thời điểm kết thúc thanh tra chưa sang Việt Nam. Ông Amano Kan, Giám đốc bộ phận hành chính hết nhiệm kỳ vào tháng 10.2019 và cũng đã rời Việt Nam. Do vậy, việc hối lộ chưa thể kết luận.
Như vậy có thể thấy kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính chỉ rõ 5 tỉ đồng được chi khống (không chứng từ gốc), tuy nhiên phía Tenma VN cũng đã kê khai, loại bỏ ra khỏi chi phí và nộp bổ sung ngân sách, nộp phạt. Điều đó cũng đặt ra nghi vấn số tiền này được chi khống, rút ra để hối lộ hay phía ông tổng giám đốc, người của Tenma VN biển thủ rồi bỏ về Nhật Bản?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận