24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

5 điểm tựa của tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023

Đà phục hồi kinh tế của năm 2022, đầu tư công, các chính sách tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ... sẽ là những yếu tố chính tạo nền tảng, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế 2023.

Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực, song theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nền kinh tế cũng đang cho thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ. Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, theo ông Hùng tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ phải đối diện với những thách thức rất lớn, cần những "điểm tựa" vững chắc để tiếp tục duy trì tăng trưởng. 5 điểm tựa của tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 đã được vị chuyên gia này chỉ ra.

Thứ nhất là đà phục hồi kinh tế của năm 2022, đây là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách của Chính phủ trong năm tới. Mức tăng trưởng cao của năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Theo đó, lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng (chứ không phải thắt chặt) chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa... Trên cơ sở đó, Chính phủ cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này, để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định.

Thêm nữa, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.

Thứ hai, ông Hùng cho rằng, đầu tư công có thể là cứu cánh của tăng trưởng kinh tế 2023. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định.

Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ đồng).

Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng, ông Hùng nhấn mạnh.

Yếu tố thứ ba là tận dụng cơ hội để đổi mới. Nền sản xuất của Việt Nam vẫn dừng lại ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng, nhất là tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ hoặc quãng thời gian điều chỉnh để đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.

Thứ tư, Chính phủ cần sớm xử lý các "điểm nghẽn" của nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi. Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh.

"Chẳng hạn, các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục…", ông Hùng lấy ví dụ và cho rằng, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để "vượt điểm nghẽn" trong năm tới là rất lớn.

Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng tính trách nhiệm. Những nhiệm vụ như phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng... là những việc rất cần thiết, nhưng phức tạp và có sức ép rất lớn tại từng thời điểm nhất định; đòi hỏi thái độ dám chịu trách nhiệm trong điều hành.

"Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi Chính phủ cần có các giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thách thức và thuận lợi đan xen

Những thách thức từ tình hình thế giới đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn hiện hữu. Theo ông Hùng, thứ nhất là dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau. Thứ hai là rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn; cho dù rằng giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng khả năng bảo hộ thương mại - đầu tư có xu hướng tăng.

Thứ ba là kinh tế thế giới suy thoái nhẹ (trong đó Trung Quốc tăng trưởng vẫn ở mức thấp - khoảng 4,5%, mức tăng trưởng chung chỉ đạt khoảng 2-3%), làm giảm nhu cầu thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn; thu hút đầu tư FDI và các nguồn lực khác sẽ chậm lại; du lịch quốc tế của Việt Nam khó tăng nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức. Ông Hùng cho rằng, lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu được các quốc gia tìm cách kiểm soát hơn, theo xu hướng dịu dần, Mỹ sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối 2023.

Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ nhẹ hơn. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo.

Thách thức về tiền tệ, tỷ giá hiện nay đang là điểm rất nóng, song xét trên tổng thế, hiện Việt nam đang giữ được sự chủ động, linh hoạt, điều hành chắc chắn, phù hợp tình hình và biến động thực tế; tín dụng được kiểm soát, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống, trong điều kiện các nước thắt chặt. Kết quả này góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô.

Hay như vấn đề chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới do xung đột tại 1 số khu vực và kiểm soát dịch covid-19 tại 1 số quốc gia, đẩy chi phí lên cao và khó khăn trong cam kết nguồn cung ứng, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch luôn cao, nhiều ngành và sản phẩm xuất khẩu chớp được lợi thế thị trường.

Từ những yếu tố trên, ông Hùng khẳng định, khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
33.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả