24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
TS. Cấn Văn Lực Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

4 nguyên tắc và 7 giải pháp để có thể triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mới

Các gói hỗ trợ mà giai đoạn 1 gặp một số vướng mắc khiến việc triển khai còn chậm, để các gói hỗ trợ mới có hiệu quả, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cần đảm bảo 4 nguyên tắc và một số giải pháp đồng bộ.

Kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa được kiểm soát, thậm chí tại một số nước đã xuất hiện làn sóng thứ hai.

Hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và sản xuất - kinh doanh (cả phía cung và cầu) tiếp tục bị đình trệ hoặc hồi phục yếu ớt. Tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bị tác động đáng kể, kinh tế thế giới đã chính thức bước vào suy thoái với GDP quý II/2020 của Mỹ giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, khu vực đồng Euro giảm 15%, Đức giảm 11,7%, Pháp giảm 19% (theo OECD), Hàn Quốc giảm 2,9%, Singapore giảm 12,6%, Ấn Độ giảm 23,9%...

IMF dự báo, năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng âm 4,9%, WB dự báo âm 5,2%. Có thể nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội toàn cầu là rất nặng nề, khiến kinh tế toàn cầu suy giảm gấp khoảng 3 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 (khi đó, GDP toàn cầu năm 2009 tăng trưởng âm 1,7%).

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới tổng thể nền kinh tế, chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô hàng chục, hàng trăm tỷ USD (tương đương từ 5 - 15% GDP mỗi nước).

Cùng với đó, các chính sách y tế, chính sách xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội cũng được triển khai.

Đối với Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, quá trình triển khai rất chậm và chưa đạt kết quả và hiệu quả như mong muốn.

Triển khai các gói hỗ trợ chậm và còn nhiều vướng mắc

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra khoảng 181.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019).

Đầu tiền phải kể đến là gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020).

Gói hỗ trợ này bao gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69.300 tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180.000 tỷ đồng trong 5 tháng, song thực chất là giãn, hoãn nộp và người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn, giá trị hỗ trợ ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn, ước tính 3.825 tỷ đồng).

Theo các báo cáo, tổng số tiền gia hạn tính đến 30/7 mới chỉ là 53.645 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% quy mô gói hỗ trợ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 ngay trong quý I/2020. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn, chưa kể tâm lý e ngại thủ tục rườm rà.

4 nguyên tắc và 7 giải pháp để có thể triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mới
Gói hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 1 triển khai chỉ đạt tỷ lệ 30%.

Gói hỗ trợ thứ hai là gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng (0,6% GDP).

Gói hỗ trợ này bao gồm phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600.000 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...

Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20 - 25%) cả năm 2020 của các tổ chức tín dụng và giảm thu ngân sách tương ứng.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.

Với việc tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ hiện nay, thiết kế các gói hỗ trợ mới và giải pháp đồng bộ khác sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép

Gói hỗ trợ tiếp theo là gói an sinh - xã hội. Thực tế của gói này có giá trị khoảng 45.800 tỷ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62.000 tỷ đồng (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỷ đồng), đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay.

Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh.

Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm; trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, và nhiều doanh nghiệp tự xoay xở.

Thứ tư là các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (0,43% GDP), bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.

Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỷ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể.

Như vậy, có thể thấy, trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại để góp phần giảm thiểu các tác động do dịch bệnh gây ra.

Theo đó, đối với gói tài khóa, cần sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất (trước mắt là hết năm 2020 hoặc hết quý II/2021) để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10/2020. Đồng thời, rà soát để tiếp tục miễn, giảm một số khoản phí khác.

Đối với gói tiền tệ - tín dụng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến….

Đối với gói an sinh xã hội, cần sớm sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, nhất là gói cho vay hỗ trợ trả lương, cần nới điều kiện và thời hạn cho vay nên dài hơn, từ 6-12 tháng. Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ sang cả lao động phi chính thức.

4 nguyên tắc khi triển khai các gói hỗ trợ mới

Song song với việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ giai đoạn 1, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với bốn nguyên tắc cơ bản.

Một là, quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp (có thể từ quý IV/2020 đến hết năm 2021) mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Hai là, phải đảm bảo độ bao phủ đến cả lao động không chính thức (tự do), vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực (tất nhiên là có điều kiện như nêu dưới đây).

4 nguyên tắc và 7 giải pháp để có thể triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mới
Gói hỗ trợ mới cần bao phủ tới cả người lao động tự do (Ảnh minh họa: Internet)

Ba là, phải có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ.

Tôi xin gợi ý ít nhất 5 điều kiện/tiêu chí nhận hỗ trợ, bao gồm: (i) tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), (ii) lao động (tạo nhiều công ăn việc làm), (iii) có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch, (iv) có khả năng phục hồi, và (v) cam kết không sa thải nhân viên (hoặc không quá 10%).

Bốn là, phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, mới đảm bảo chính sách nhân văn đi vào cuộc sống.

Với cách tiếp cận như trên, qua tính toán cụ thể, chúng tôi thấy rằng, tổng giá trị của cả 3 gói hỗ trợ mới khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP, thực hiện từ quý IV/2020 đến hết năm 2021.

Như vậy, tổng giá trị các gói hỗ trợ của cả 2 giai đoạn sẽ vào khoảng 5,5% GDP, sẽ khiến thâm hụt ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 1%GDP mỗi năm 2020 - 2021 (so với trường hợp không bổ sung).

Cụ thể, gói tài khóa mới, khoảng 50.000 tỷ đồng. Gói ngày bao gồm tiếp tục gia hạn giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất thêm 10 tháng nữa (đến hết tháng 6/2021). Điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15 - 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ năm 2021), như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cho phép.

Ngoài ra, xem xét giảm 1% thuế giá trị gia tăng trong năm 2021 nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đồng thời hỗ trợ lãi suất, tăng khả năng tiếp cập vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách tăng cho vay qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy mô gói tín dụng ưu đãi này khoảng 60.000 tỷ đồng; việc cho vay thực hiện qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngân hàng thương mại. Thời hạn cho vay tối thiểu là 1 năm, lãi suất khoảng 4%/năm, nguồn vốn cấp bù phần 5% lãi suất từ ngân sách nhà nước (giá trị hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng).

Gói thứ hai là tiền tệ - tín dụng bổ sung. Gói này bao gồm cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Theo đó, xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong một số lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo… với điều kiện phải đáp ứng ít nhất 5 tiêu chí nêu trên. Quy mô gói này khoảng 450.000 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ lãi suất khi đó sẽ khoảng 9.000 tỷ đồng, huy động từ ngân sách nhà nước.

Tiếp đến là thúc đẩy cho vay tiêu dùng (cơ bản là cơ chế) theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc phân rõ hơn giữa cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính - ngân hàng số.

Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tái cấp vốn và xem xét giảm phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở phân loại tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (từ quý IV/2020 đến hết năm 2021), để các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, thúc đẩy gói cho vay nhà ở xã hội và Bộ Xây dựng chủ trì sớm đề xuất cơ chế động lực để doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Cuối cùng, khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, hạ tầng viễn thông (5G) và các lĩnh vực ưu tiên khác.

Gói hỗ trợ tiếp theo là gói an sinh xã hội mới, khoảng 90.000 tỷ đồng. Gói này bao gồm mở rộng đối tượng hỗ trợ, trong đó bổ sung đối tượng lao động phi chính thức với mức hỗ trợ dự kiến là 900.000 đồng/người/tháng, trong 3 tháng (quý IV/2020) với quy mô dự kiến là 86.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất/thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư/chuỗi sản xuất… Quy mô chương trình dự kiến 3.400 tỷ đồng/năm, trong đó 50% từ ngân sách trung ương và từ ngân sách địa phương, 50% từ đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ lao động được đào tạo này.

7 giải pháp đồng bộ khác

Ngoài các giải pháp trên, cần tiếp tục thực hiện 7 giải pháp đồng bộ, cơ bản khác.

Thứ nhất, cần đề xuất có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Thứ hai, tạo điều kiện cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào các doanh nghiệp chịu tác động mạnh, có khả năng phục hồi và phát triển thông qua hình thức mua cổ phần hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Khuyến khích SCIC đầu tư vào các doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 thỏa mãn 5 tiêu chí như nêu trên. Các khoản đầu tư này có thời hạn không quá 3-5 năm và phải có kế hoạch thoái vốn cụ thể, khả thi.

4 nguyên tắc và 7 giải pháp để có thể triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mới
Thiết kế các gói hỗ trợ hợp lý và triển khai các giải pháp đồng bộ, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng mạnh từ năm 2021

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính (kể cả đối với các gói hỗ trợ), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tốc độ xử lý công việc.

Thứ tư, ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất (nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, hạ tầng khu công nghiệp, nguồn nhân lực, và phân cấp ủy quyền trong tiếp cận, thu hút có chọn lọc các dự án FDI…

Thứ năm, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ và EU. Đồng thời, tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Giải pháp cuối cùng là đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

Với việc tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ hiện nay, thiết kế các gói hỗ trợ mới và giải pháp đồng bộ khác như nêu trên sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội) với GDP tăng trưởng khoảng 1,5 - 2%, CPI bình quân tăng khoảng 3,5 - 3,8% năm 2020 và GDP phục hồi tăng 6,8 - 7%, CPI bình quân khoảng 3,8 - 4% năm 2021. Đây cũng là tiền đề cho giai đoạn bứt phá sau dịch Covid-19 tiếp theo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

TS. Cấn Văn Lực Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả