menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Bằng

2020 tiếp tục là năm bình lặng của tiền đồng?

Tiền đồng đã giữ được vị thế khá ổn định so với đô la Mỹ trong năm 2019, đi ngược lại dự báo tiền đồng sẽ mất giá trong biên độ 2-3% so với đô la Mỹ, nhờ vào sức đề kháng của nền kinh tế được tăng cường.

Lội ngược dòng

Trong những ngày cuối năm 2018, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong biên độ trên dưới 2% trong năm 2019, nhưng dự báo này đã sai khi tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ trong năm nay không những giữ được sự ổn định mà còn giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.

Trong các tháng đầu năm, tiền đồng đứng dưới áp lực mất giá khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất 3-4 lần nữa trong năm 2019 (năm 2018 Fed đã tăng 4 lần), đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm lên trên 3%, qua đó hút nguồn tiền đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, quay về thị trường Mỹ.

Cùng với đó, rủi ro phá giá của nhân dân tệ dưới áp lực cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng gây thêm sức ép lên tỷ giá.

“Áp lực mất giá tiền đồng trong quí 1 và nửa đầu quí 2 khá là cao”, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Nguồn vốn và Ngoại hối của Ngân hàng VIB, nhìn nhận. Tuy nhiên, theo ông, “đến quí 2 và 3, tình hình đã thay đổi, Fed thay vì tăng lãi suất, thì ngược lại đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã quay ngược lại Việt Nam - một nước được đánh giá là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Theo đó, xu hướng tỷ giá đô - đồng, theo ông Trung, đã bắt đầu tách bạch rõ nét khi mối quan hệ giữa đô la Mỹ/nhân dân tệ và đô la Mỹ/tiền đồng thay đổi: tiền đồng thay vì phụ thuộc vào diễn biến của nhân dân tệ đã giữ được sự ổn định khi nhân dân tệ bị phá giá xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2019, theo bà Hoàng Nữ Ngọc Thủy, phụ trách công tác phân tích thị trường tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có diễn biến khá ổn định và tích cực, với tiền đồng nằm trong nhóm ổn định khi so sánh với biến động của các đồng tiền khác trong khu vực.

“Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng dao động trong biên độ hẹp 23.175-23.430 và nếu so với cuối năm 2018 thì tiền đồng tăng giá nhẹ khoảng 0,1% so với đô la Mỹ. Như vậy, đây là năm bình lặng nhất của cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong giai đoạn 2015-2019 và là năm thứ hai chứng kiến sự tăng giá của đồng nội tệ so với đô la Mỹ trong giai đoạn này (bên cạnh năm 2017)”, bà Thủy nói.

Mức biến động 0,1% của cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng như vậy thấp hơn nhiều so với diễn biến các cặp tỷ giá khác như đô la Mỹ/nhân dân tệ, tăng 1,9%, đô la Mỹ/won tăng 4,4%, đô la Mỹ/baht giảm 6,7%, hay đô la Mỹ/rubiah giảm 2,75%.

“Tiền đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước. Cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của năm 2019 và thậm chí tiền đồng tăng giá so với đô la Mỹ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận xét.

Sự ổn định của thị trường ngoại hối trong năm 2019, theo bà Thủy, đến từ nhiều yếu tố, trong đó có thành quả của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giúp cải thiện nền tảng, nội lực kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh theo hướng thực chất và bền vững hơn.

Việt Nam, theo đó, đã trở thành một điểm sáng nổi bật, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng, nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh khá ảm đạm của kinh tế toàn cầu trước cơn bão chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này kéo theo diễn biến thuận lợi cho cân đối cung - cầu ngoại tệ từ các hoạt động cơ bản trong nền kinh tế như cán cân thương mại thặng dư 9,9 tỉ đô la Mỹ, kiều hối ước đạt 16,7 tỉ đô la, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 20 tỉ đô la hay dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng ước đạt trên 4 tỉ đô la.

NHNN qua đó đã mua vào được 20 tỉ đô la để cải thiện dự trữ ngoại hối quốc gia, nâng dự trữ ngoại hối lên 79 tỉ đô la, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Ngoài ra, áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức tăng bình quân trong cả năm 2019 chỉ 2,79%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu “dưới 4%” mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.

Tất cả những yếu tố cộng hưởng này đã góp phần củng cố giá trị của đồng nội tệ trong năm vừa qua.

Trong năm 2019, NHNN cũng đã chủ động sử dụng các công cụ điều hành thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.

Dự báo 2020

Tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ đang có một nền tảng khá vững chắc để bước sang năm 2020, nhưng các rủi ro từ nội tại và ngoại biên vẫn cần phải tính đến để đề phòng các nguy cơ phá giá của tiền đồng.

Bà Thủy của BIDV cho rằng bối cảnh của kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước hứa hẹn sẽ giúp cán cân thanh toán tổng thể duy trì trạng thái thặng dư, hay nói cách khác nguồn cung ngoại tệ vẫn lớn hơn so với nhu cầu. Trong đó, cấu phần được chờ đợi sẽ có đóng góp tích cực nhất vẫn là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.

Sự phát triển năng động, mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với các động lực như độ mở nền kinh tế, cơ cấu dân số, tiến trình tái cấu trúc, đô thị hóa sẽ tiếp tục kéo dòng vốn từ nước ngoài đến với Việt Nam theo các hình thức khác nhau, từ kiều hối, đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp.

“Như vậy, chúng ta sẽ không bất ngờ nếu tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có thêm một năm ổn định với mức biến động khá khiêm tốn, quanh khoảng 1%”.

Đồng quan điểm trên, ông Trung của VIB dự báo biến động tỷ giá trong năm 2020 sẽ dao động trong ngưỡng 0-1%. “Giá trị tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2020. Và trong kịch bản xấu nhất (ví dụ trong trường hợp nhân dân tệ phá giá quá mạnh), thì tiền đồng có thể mất giá tối đa 1%”.

“Sự ổn định của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chắc chắn là một nhân tố quan trọng để giữ vững sự ổn định chung của kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho NHNN có thể theo đuổi định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng khá thận trọng về triển vọng tỷ giá của năm 2020 khi Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi các quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ của Mỹ, cùng với vấn đề giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.

Tới thời điểm hiện tại, đã có mặt hàng của Việt Nam như thép bị Mỹ đánh thuế rất cao và nếu mở rộng sang các mặt hàng khác thì rõ ràng hoạt động xuất khẩu sẽ rất khó khăn.

Thứ hai là khả năng suy thoái của kinh tế toàn cầu. Dù Mỹ và Trung Quốc đang đạt được bước tiến với “thỏa thuận giai đoạn 1” để hạ nhiệt chiến tranh thương mại, nhưng tính bất định, khó lường đón vẫn ở mức cao (tình hình chiến tranh thương mại, Brexit, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông...).

Không ít định chế tài chính quốc tế bảo lưu nhận định về việc kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái trong vòng 1-2 năm tới. Nếu điều đó xảy ra với cường độ mạnh ở các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... thì hoạt động xuất khẩu hay đầu tư nước ngoài của Việt Nam có thể sẽ đối mặt với cú sốc thực sự.

Còn theo quan điểm của ông Khoa, Việt Nam cần nhìn nhận nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc lục địa, Mỹ và EU. Các thị trường này chiếm tới một nửa tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, do đó xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu có sự suy giảm về cầu, từ đó tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.

Với lạm phát, mặc dù đã đạt được những thành tựu trong cả năm 2019, nhưng trong những tháng cuối năm, chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng vì chịu ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, đây cũng là tín hiệu cần phải quan sát cho năm sau.

“Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay. Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động”, ông Khoa nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại