2 xu hướng đầu tư trong nửa cuối năm 2023?
Trong báo cáo phân tích Triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023, chứng khoán KB đã chỉ ra 2 xu hướng đầu tư trong nửa cuối năm 2023.
1. El Nino
Hiện tượng thời tiết El Nino đã chính thức xuất hiện, đem theo nắng nóng và hạn hán cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 15/06 vừa qua, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) công bố hiện tượng thời tiết El Nino đã chính thức xuất hiện, đem theo nắng nóng và hạn hán cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trạm khí tượng tại nhiều nơi của Ấn Độ, Thái Lan và Bangladesh đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 45 độ C, mức cao bất thường so với trung bình hàng năm. Đối với tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan này lên TTCK Việt Nam có cả mặt tích cực và tiêu cực:
Hiện tượng El Nino được kỳ vọng hỗ trợ cho đà giảm phát tại Mỹ và thế giới nói chung
- Về mặt tích cực, hiện tượng El Nino được kỳ vọng hỗ trợ cho đà giảm phát tại Mỹ và thế giới nói chung, phần nào hỗ trợ việc các NHTW mềm mỏng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Lịch sử cho thấy các mặt hàng lương thực như ngô, đậu tương, … kéo theo đó là giá thức ăn chăn nuôi và thịt heo, thường có xu hướng giảm khi nguồn cung nông sản được gia tăng trong pha trung tính hoặc El Nino với lượng mưa được cải thiện tại các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn như Mỹ, Brazil, Argentina, …. Ngược lại, ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai do Lanina thường khiến gia các mặt hàng nông sản tăng mạnh ở khu vực Châu Mỹ. Tính từ vùng đỉnh 04/2022, chỉ số giá các mặt hàng nông sản của Bloomberg hiện đã giảm khoảng 20.2% nhưng vẫn cao hơn 50.7% tính từ thời điểm La Nina bắt đầu diễn ra
El Nino gây nên tình trạng thiếu điện và tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.
Về mặt tiêu cực, hiện tượng El Nino khiến mực nước ở các hồ thuỷ điện của Việt Nam giảm xuống mức thấp, qua đó gây nên hiện tượng thiếu điện, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.
Đối với tác động lên các nhóm ngành cụ thể, chúng tôi cho rằng có 3 nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi từ hiện tượng El Nino, bao gồm:
Ngành lúa gạo sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu gạo tăng cao trong giai đoạn đầu của El Nino
Giá đường mía neo ở mức cao sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và trên thế giới
Nhóm điện than và điện khí sẽ được hưởng lợi nhờ (1) việc được huy động cao hơn trong năm 2023 và (2) giá bán điện của thị trường điện cạnh tranh (CGM) thường có xu hướng tăng cao
Mặc dù giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo, đường và nhiệt điện đã hồi phục tương đối tốt tính từ vùng đáy tháng 11/2022, chúng tôi đánh giá ba ngành trên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới do El Nino được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024 với cường độ mạnh hơn những năm trước. Do đó, các nhà đầu tư trong trung và dài hạn có thể mua thực hiện tích lũy từng phần cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ
2. Đầu tư công
Tiến độ giải ngân đầu tư công tháng 5/2023 đạt 46,461 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm.
Tính từ đầu năm đến ngày 31/05/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 162,780.8 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giải ngân đạt mức 20.44% kế hoạch của Quốc Hội đề ra năm 2023 (Theo số liệu từ báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính ước thực hiện 05 tháng kế hoạch năm 2023). Riêng trong tháng 5/2023, giá trị giải ngân tháng đạt 46,461.80 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ đầu năm, tăng 30.72% so với tháng 4/2023 và gấp 2.7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng thứ ba liên tiếp từ đầu năm, giá trị giải ngân vốn đầu tư công duy trì tăng.
Tuy nhiên nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 22,22%. Sau 5 tháng thực hiện, số vốn kế hoạch còn lại trong năm 2023 là hơn 633 nghìn tỷ. Với mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 là từ 95%-100% kế hoạch vốn năm 2023, đặt ra yêu cầu mỗi tháng cần giải ngân được khoảng 90 nghìn tỷ duy trì trong 8 tháng còn lại (kỳ báo cáo đến hết tháng 1/2024). Đây là nhiệm vụ và thách thức không hề nhỏ cho các Bộ, Ngành và Cơ quan; vì mức giải ngân cao nhất hàng tháng trong 5 tháng qua chỉ dừng lại ở 46,5 nghìn tỷ
Vướng mắc từ các khâu thủ tục, phê duyệt ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công
Việc vốn đầu tư công còn nhiều nhưng giải ngân chậm chễ vẫn là vấn đề nan giải của các Bộ, ban ngành và được giải thích bởi một số lý do chủ quan lẫn khách quan như sau: (1) Vấn đề năng lực nhà thầu không đáp ứng đủ. Đặc biệt, khi những yêu cầu về chất lượng thi công, PCCC ngày càng cao và khắt khe hơn trước; (2) Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn và khiến cho thủ tục phê duyệt không diễn ra đúng tiến độ; (3) Việc cập nhật, rà soát, công bố giá/chỉ số giá vật liệu xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường tác động đến chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng.
Đầu tư công được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2023
Chúng tôi kỳ vọng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 85% so với kế hoạch (tương đương 676,904.8 tỷ đồng) trong năm 2023, cao hơn so với các năm gần đây (năm 2022 là 80,63%; năm 2021 đạt tỷ lệ 76,78%) do: (1) Đầu tư công trở thành động lực quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô khó khăn, tổng cầu suy giảm; (2) Năm thứ 3 của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thông thường, các năm từ năm thứ 3 trở đi sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm đạt kịp các chỉ tiêu chính phủ và nhà nước giao; (3) Chu kỳ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước sẽ ít ở đầu năm, tăng dần về cuối năm, và năm nay cũng không phải ngoại lệ với kế hoạch giải ngân cực kỳ lớn; (4) Kì vọng giá nguyên vật liệu giảm, từ đó làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Năm 2023, mặt bằng giá nguyên vật liêu, chỉ số giá vật liệu xây dựng đã thấp hơn so giai đoạn trước đó. Chúng tôi kì vọng việc mặt bằng giá đầu vào hạ nhiệt sẽ là điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ dự án như trong hợp đồng đã được kí kết.
Chúng tôi tin rằng CTD, C4G, VCG và VLB sẽ là những doanh nghiệp đáng chú ý trong chủ đề đầu tư công lần này
Với nhận định của chúng tôi, đối với những doanh nghiệp nhà thầu xây dựng có năng lực thi công tốt, nguồn vốn dồi dào và có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án xây dựng hạ tầng có quy mô như CTD, VCG và trong đó là C4G với danh mục thi công đã góp mặt vào nhiều hạng mục cải tạo, nâng cấp đường bay sẽ có lợi thế trong việc trúng thầu các gói thầu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là Sân bay Long Thành.
Đối với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng được nhận định sẽ rất cấp thiết trong giai đoạn sắp tới khi các dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam sẽ bước vào giai đoạn san lấp nền và làm móng, do đó với tính chất nền đất yếu của khu vực đồng bằng phía Nam, lượng đá xây dựng cần sử dụng sẽ rất lớn. VLB sở hữu các mỏ đá có vị trí thuận lợi, tiện cho vận chuyển nội thủy và gần dự án sân bay Long Thành với trữ lượng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác đá đang niêm yết. Vì vậy, VLB có lợi thế không nhỏ trong việc cung cấp đá cho các dự án hạ tầng xung quanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận