menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tuấn

12 kết quả nổi bật của tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng qua

Kết luận nội dung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 12 kết quả nổi bật của tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng, song yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định.

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá cao việc chuẩn bị các tài liệu, báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan và ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu dự họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ để hoàn thiện báo cáo, Nghị quyết Phiên họp, sớm trình Thủ tướng ký ban hành.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng đánh giá trong tháng 8, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và xuất hiện thêm các yếu tố, động thái mới liên quan đến cạnh tranh địa chiến lược và xung đột Nga–Ukraine; áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi, khác nhau, gây nhiều khó khăn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định.

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta phải tiếp tục xử lý các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài, đội vốn, lãng phí, các vấn đề bức xúc của người dân, kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, bài bản, tập trung, bình tĩnh, kiên định, sáng tạo, thực chất, lấy hiệu quả làm trọng, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn, biến động nhanh trên thế giới để có giải pháp linh hoạt, phù hợp.

Trong 8 tháng, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức trên 600 cuộc làm việc, trong đó có 13 phiên họp Chính phủ (gồm 7 phiên họp thường kỳ và 6 phiên họp chuyên đề, trong đó có 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật), ban hành 10 văn bản quy phạm (gồm 9 nghị định, 01 quyết định quy phạm của Thủ tướng); trong 8 tháng đã ban hành 76 văn bản quy phạm (gồm 68 nghị định và 18 quyết định của Thủ tướng) để triển khai các nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, có những nội dung như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cần tới 3 cuộc họp để giải quyết.

Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân dù dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý III có thể đạt cao hơn quý II nếu không có những biến động lớn. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thứ ba, 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt, gồm thu-chi ngân sách (thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85.6% dự toán, tăng 19.4% so với cùng kỳ năm 2021); xuất–nhập khẩu (xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15.5%, xuất siêu 3.96 tỷ USD); lương thực–thực phẩm (xuất khẩu nông sản khoảng 36.3 tỷ USD, trong đó có khoảng 5 triệu tấn gạo); bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung-cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.

Thứ tư, nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2.9% so tháng trước, tăng 15.6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9.4%. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt gần 3.68 triệu tỷ đồng, tăng 19.3% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 8 đạt trên 486,000 lượt, tăng 38% so với tháng trước.

Thứ năm, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285.4 ngàn tỷ, bằng 51% kế hoạch, tăng 16.9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12.8 tỷ USD tăng 10.5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Thứ sáu, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150,000 doanh nghiệp (gấp 1.43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3.64 triệu tỷ đồng, tăng 36.1% so với cùng kỳ.

Thứ bảy, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực. Theo điều tra sơ bộ, tỉ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 82.2%. Số khách du lịch nội địa 8 tháng gần bằng cả năm 2019.

Thứ tám, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cương quyết bỏ khâu trung gian, nhất là giảm cấp tổng cục.

Thứ chín, sau các hội nghị lớn của Chính phủ, các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát, phát triển theo hướng an toàn, cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, đúng bản chất. Tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục xu hướng giảm. Tỉ lệ nợ công/GDP năm 2020 là 55.9%, năm 2021 là 43.1%, năm 2022 dự kiến 42-43%; tỉ lệ nợ Chính phủ/GDP năm 2020 là 49.9%, năm 2021 là 39.1%, năm 2022 khoảng 40-41%, dưới trần Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cho phép, tạo dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ.

Thứ mười, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý nhịp nhàng, đúng hướng, kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh.

Mười một, những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỉ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...

Mười hai, các vấn đề khác và nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả được chỉ đạo giải quyết phù hợp, có kết quả, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế (như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện Tổ máy số 2; xử lý, tháo gỡ vướng mắc đối với 3 Nhà máy đạm, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Gang thép Lào Cai…).

Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6/9 đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả