12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương: Ngân hàng khó đòi nợ
12 đại dự án ngành Công Thương được 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng.
Trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cấp tín dụng cho 6 dự án gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Tisco, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Dự án đạm Hà Bắc, Dự án DAP số 1 Hải Phòng, Dự án DAP số 2 Lào Cai và Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Tổng dư nợ đến cuối 2019 là 9.796 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, ngày 31/10/2019, ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Theo đó, PVcomBank buộc Vinapaco phải trả tổng số tiền gần 600 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa Tracodi - chủ đầu tư dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (PVFC-VT).
Cũng theo người đứng đầu ngành công thương, hiện tại, Vinapaco đang rất khó khăn về tài chính, không đảm bảo chi trả các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PvcomBank.
Do đó, vụ kiện của PVcomBank liên quan khoản vay của Vinapaco có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, về định giá phục vụ bán đấu giá tài sản cố định của dự án, ngày 22/10/2019, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Tổng công ty thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019.
Đến thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả của dự án là 3.055 tỷ đồng, công nợ phải thu là 4 tỷ đồng; đến thời điểm 31/12/2019 tổng nợ phải trả của dự án trên 3.000 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn là 4 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) cũng từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) với khoản vay tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Nguyên nhân là do những khúc mắc tại dự án này chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo thông tin từ ông Trần Tuấn Anh, báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, đa số doanh nghiệp gặp các khó khăn về tài chính như tín dụng chịu lãi suất cao, chi phí tài chính lên đến 30%...
Để giải quyết các khó khăn này, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất hướng giải quyết tháo gỡ tập trung vào 3 giải pháp sau: Cơ cấu nợ, khoanh nợ; giãn khấu hao và giảm lãi suất.
Tuy nhiên, nhận định về vấn đề trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, căn cứ theo Luật, các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh.
Theo đó, việc các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay trên cơ sở cân đối nguồn vốn, lãi suất huy động và khả năng tài chính của từng ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, không quy định việc tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng. Bên cạnh đó, các khách hàng vay vốn được xem xét khoanh nợ phải thuộc nhóm gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan. Ví dụ như khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bị thiệt hại do thiên tai trên diện rộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận