100 người đua theo sốt đất thì 80 người 'chết yểu'
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, ăn theo “sốt đất”, nhiều nhà đầu tư cầm cố tài sản, vay nóng mua đất rồi tán gia bại sản vì không ra được hàng.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc Công ty LDG Group, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất”: Khi có thông tin quy hoạch “nóng”, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất tạo ra tâm lý đám đông. Họ chỉ nhìn thấy giá tăng, thấy sốt nhưng lại thiếu xem xét những yếu tố tạo nên giá trị dài hạn cho bất động sản.
“Sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì hết 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra. Thực tế này dễ dàng nhìn thấy ở bài học từ thị trường Nhơn Trạch và cả TP.HCM nhiều năm trước đây. Đâu thiếu nhà đầu tư cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì không ra được hàng”, ông Khang nhấn mạnh.
Ông Khang khuyến cáo thêm, khác với chứng khoán cần một tỷ trọng dòng vốn tương đối lớn để chi phối thị trường, với bất động sản, các đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo sóng để trục lợi.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thực tế đất sốt khắp nơi là do chúng ta tự tạo nên cơn sốt, từ người dân đến nhà đầu tư, đến sự quản lý của cơ quan nhà nước…Và một nguyên nhân gây nên hiện tượng sốt đất lan rộng dễ nhận thấy nữa là nhà đầu tư đang rất hưng phấn vào thị trường. Họ sẵn sàng đi mua đa dạng các loại hình bất động sản từ đất thổ cư, đất vườn, secondhome…
“Đây là một hiện tượng rất lạ của thị trường bất động sản ở thời điểm này”, ông Quang nhấn mạnh.
Người dân cần tỉnh táo trước cơn sốt đất lan rộng thời gian qua là lời khuyên của hầu hết các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Bởi lẽ, khi có những cơn sốt xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông. Lúc này, phần lớn chỉ nhìn thấy giá tăng chứ không thấy nguyên nhân. Và hệ lụy khi những cơn sốt đi qua là rất lớn. Thực tế nhiều dự án, công trình trọng điểm từ lúc công bố khởi công đến khi hoàn thành kéo dài cả chục năm hoặc có dự án công bố nhiều lần nhưng vẫn chưa thể khởi công… trong khi giới đầu cơ không ngừng đẩy giá.
“Tôi nghĩ, nhà đầu tư không nên mua bất động sản theo phong trào khi không có sự phát triển trong dài hạn ở những dự án cụ thể. Các thông tin thị trường cần minh bạch, chính xác. Sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản mới là yếu tố cần được quan tâm”, một chuyên gia khuyến cáo.
Bàn về giải pháp hạn chế các "cơn sốt" đất cục bộ, nhiều chuyên gia đề xuất phương án trước mắt là quy hoạch, định vị lại nghề môi giới bất động sản. Bởi lẽ, nếu ai cũng làm môi giới bất động sản sẽ dễ gây nhiễu thị trường, ngay cả những người tham gia thị trường cũng phải trang bị kiến thức đầu tư.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam thì cho rằng vai trò của truyền thông ở các cấp cơ sở rất quan trọng, nhất là những địa phương nơi xảy ra "sốt" đất. Bởi nếu "sốt" đất, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày, sau đó khi "cơn sốt" đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị các ngân hàng dưới sự quản lý nhà nước phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ để lường trước được những rủi ro trong việc cho vay bất động sản.
"Chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành và giao UBND cấp tỉnh ban hành giá đất theo mục đích sử dụng đất để tính các nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như bồi thường khi thu hồi đất. Có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch…", luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu xu hướng lướt sóng của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng, đánh thuế những người có nhiều bất động sản nhưng không đưa đất vào sử dụng.
Ngoài ra, cần công khai đầy đủ thông tin quy hoạch, công cụ về quy hoạch cũng cần được thay đổi, chủ yếu là các tỉnh, cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Việc này nằm trong tầm tay của chính quyền các tỉnh nên cần được triển khai hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường.
Về phía cơ quan quản lý, cần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, cung cấp nguồn đất thô, đất sạch với pháp lý tương đối ổn định theo quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận