10 điểm nổi bật thị trường chứng khoán Việt Nam 2019
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển ngày càng lớn mạnh cả về qui mô và chất lượng, đóng vai trò là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đang hướng tới nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Dưới đây là 10 điểm đáng
1. Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán mới
Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán mới, sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2021, với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tiếp tục mở rộng qui mô, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, hiệu quả, an toàn hơn, quản lý chặt chẽ, giảm rủi ro và mở rộng không gian hoạt động cho các nhà đầu tư…
2. Cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán
Ngày 28/02/2019, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến 2020 và định hướng 2025”, trong đó đặt mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP năm 2020 và 120% GDP năm 2025; thị trường trái phiếu đạt 47% GDP năm 2020 và 55% GDP năm 2025; số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng 20% so với 2017; số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025; đến năm 2025, chất lượng quản trị các công ty niêm yết đạt bình quân ASEAN6; trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi.
3. Thị trường trái phiếu chuyển động tích cực
Tính đến hết năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 10,26% GDP.
Trên thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp, kỳ hạn phát hành trái phiếu được nâng lên, lãi suất trúng thầu giảm ở rất cả các kỳ hạn giúp cho Chính phủ có điều kiện tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, giảm rủi ro nợ công. Thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp tiếp tục phát triển theo chiều sâu.
4. Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút vốn ngoại
Năm 2019 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của quỹ ETF nội - E1VFMVN30, huy động được gần 2.200 tỷ đồng, trong đó nổi bật là dòng vốn từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này với quy mô 151,5 triệu USD và lấy chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 làm tài sản cơ sở.
5. Vốn ngoại gây ấn tượng
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Các thương vụ tiêu biểu có thể kể đến là SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần VIC, KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua 15% cổ phần BID trị giá 882 triệu USD...
6. Cú sốc FTM và rủi ro cầm cố cổ phiếu
Từ giá ổn định quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu, giữa năm 2019, cổ phiếu FTM đột ngột rơi sâu, mất hơn 90% giá trị, lộ nghi án nhóm cổ đông thao túng làm giá. Sự việc vỡ lở, đồng loạt các công ty chứng khoán tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thanh khoản cổ phiếu FTM rơi không phanh. Vụ việc trở nên bất thường do có hàng chục công ty chứng khoán âm thầm cho vay cầm cố cổ phiếu FTM. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM.
7. Xử phạt FLCHomes nổi sóng dư luận
Ngày 19/11/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký, đồng thời yêu cầu FLCHOMES thu hồi số chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. Tuy nhiên, FLCHOMES đã phản ứng quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thông tin việc FLCHOMES xử lý xong các lỗi sai phạm phát hành cổ phiếu cùng ngày Ủy ban Chứng khoán ra xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả, đã khiến dư luận nổi sóng.
8. Ra mắt Chứng quyền có đảm bảo (CW)
Sau 7 năm “thai nghén”, dấu ấn sản phẩm mới năm 2019 có tên gọi chứng quyền, chính thức được Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh khai mở ngày 28/6/2019. Đây là sản phẩm phái sinh thứ hai được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau sản phẩm “hợp đồng tương lai chỉ số VN30”.
9. Thanh khoản thị trường thấp hơn kỳ vọng
Năm 2019 được kỳ vọng tính thanh khoản sẽ tăng mạnh nhờ hút dòng vốn ngoại khi thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, nhưng thực tế điều này không xảy ra. Trong khi chỉ số VN-Index tính đến 19/12 tăng 6,79% so với cuối năm 2018, vốn hóa thị trường đạt 4.383 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP, thì thanh khoản trên thị trường cổ phiếu lại giảm 29% so với bình quân năm 2018.
10. Thay đổi cục diện cạnh tranh môi giới chứng khoán
Thông tư số 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực ngày 15/2/2019, chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ, đã làm thay đổi cục diện cạnh tranh. Nhiều công ty chứng khoán lập tức giảm phí giao dịch về 0% nhằm thu hút nhà đầu tư. Khoảng 10/70 công ty tốp đầu thường xuyên nắm giữ 65 - 70% thị phần môi giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận