10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Có mã lên hơn gấp đôi
Dòng tiền có dấu hiệu chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi các mã như FPT, MWG, VNM... đồng loạt tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index đứng ở mức 1.516,44 điểm, tương ứng tăng 17,94 điểm (1,2%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%) xuống 117,19 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.102 tỷ đồng/phiên, tăng 4,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 30.386 tỷ đồng/phiên.
Các nhóm ngành cổ phiếu có sự phân hóa. Trong đó, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu bluechip, vốn hóa lớn. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chỉ có 8 mã giảm trong khi có đến 22 mã tăng giá. Cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT của CTCP FPT (HoSE: FPT) tăng mạnh nhất với gần 16%. Trong tuần, giá cổ phiếu FPT tăng từ 95.700 đồng/cp lên mức đỉnh lịch sử 111.000 đồng/cp. Với mức giá đỉnh như trên, vốn hóa của FPT đã vượt 100.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) cũng giao dịch tích cực khi tăng 12,3% từ 138.900 đồng/cp lên 156.000 đồng/cp. Mới đây, doanh nghiệp này thông báo ông Trần Kinh doanh có đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc cùng người đại diện theo pháp luật. Lý do từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Đồng thời, công ty cũng bổ nhiệm ông Trần Huy Thanh Tùng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Ông Tùng là cổ đông sáng lập, Thành viên HĐQT từng giữ nhiều vị trí quan trọng từ khi thành lập công ty như Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, Trưởng ban kiểm soát, Chủ tịch ủy ban kiểm toán.
Tuần 28/3-1/4 chứng kiến sự trở lại ấn tượng của Vinamilk (HoSE: VNM), cổ phiếu VNM tăng hơn 8,5% và là nhân tố quan trọng trong việc nâng đỡ VN-Index.
Trong khi đó, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 3%. Các mã khác đều chỉ có mức giảm dưới 2%.
Tăng giá
Dần đầu mức tăng giá sàn HoSE là cổ phiếu SMA của Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (HoSE: SMA) với 30%. Cổ phiếu SMA hiện vẫn nằm trong diện bị cảnh báo tại HoSE. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này năm 2021 là 21,86 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là -15,93 tỷ đồng.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE. |
Cổ phiếu HUB của Xây lắp Thừa Thiên Huế (HoSE: HUB) đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá với 25,5%. Mới đây, CTCP Searefico đã bán ra hơn 6,86 triệu cổ phiếu HUB. Trong khi đó, Nguyễn Thị Phương Hoa – một nhà đầu tư cá nhân, và Phát triển Nhà bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco – HoSE: HDC) đã mua lần lượt hơn 4,06 triệu cổ phiếu và 2,8 triệu cổ phiếu HUB.
Tại sàn HNX, cổ phiếu MHL của Minh Hữu Liên (HNX: MHL) tăng giá mạnh nhất 33%. HĐQT doanh nghiệp này đã bổ nhiệm ông Khưu Chí Cường vào vị trí Tổng Giám đốc từ 30/3. Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Minh - Chủ tịch HĐQT đã đăng ký bán hơn 2,45 triệu cổ phiếu MHL để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 4/4 đến 28/4 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Hai cổ phiếu DZM của Cơ điện Dzĩ An (HNX: DZM) và SVN của Tập đoàn Vexilla Việt Nam (HNX: SVN) đều tăng trên 30%.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu CMF của Thực phẩm Cholimex (UPCoM: CMF) tăng giá mạnh nhất với 113%. Cổ phiếu này trong tuần qua đã có cả 5 phiên tăng trần từ 123.100 đồng/cp lên 261.900 đồng/cp nhưng thanh khoản ở mức rất thấp với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 262 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
Hai mã PAI của Công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa Dầu khí (UPCoM: PAI) và TRT của CTCP RedstarCera (UPCoM: TRT) đều tăng trên 80%.
Giảm giá
Cả 4 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE đều cùng "họ" gồm ROS của Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS), FLC của Tập đoàn FLC (HoSE: FLC), HAI của Nông Dược HAI (HoSE: HAI) và AMD của FLC Stone (HoSE: AMD).
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Tại sàn HNX, TTL của TCT Thăng Long (HNX: TTL) giảm mạnh nhất với 23,5%. Cổ phiếu này đã có sự điều chỉnh trở lại sau khoảng thời gian bứt phá rất mạnh trước đó. Tổng công ty Thăng Long – CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được Bộ GTVT thành lập vào năm 1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long – cây cầu lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Theo BCTC kiểm toán năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng tăng 62% lên 1.158 tỷ đồng, còn lại là doanh thu đến từ các hoạt động khác. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng mạnh cộng thêm các khoản chi phí không được tiết giảm khiến lãi sau thuế cả năm của doanh nghiệp chỉ đi ngang ở mức 12,6 tỷ đồng.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Cổ phiếu VTC của Viễn thông VTC (HNX: VTC) cũng giảm trên 23%. Mới đây, ông Lê Xuân Tiến - Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 300.000 cổ phiếu VTC. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Lợi - Trưởng Ban kiểm soát cũng đăng ký bán 6.000 cổ phiếu.
Ở sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất là VHF của Chế biến lương thực Vĩnh Hà (UPCoM: VHF). Đa số các cổ phiếu giảm mạnh tại sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận