1 tháng chiến sự Nga-Ukraine: Cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu thay đổi, Trung Quốc trở thành huyết mạch của kinh tế Nga
Cuộc chiến sự Nga-Ukraine là một lời cảnh báo cho trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành, và các nhà kinh tế đang bắt đầu xem xét nó sẽ như thế nào. Một điều dễ thấy Trung Quốc đang sẵn sàng trở thành huyết mạnh của nền kinh tế Nga
Đã một tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra và hầu hết mọi ngóc ngách của địa chính trị đều bị ảnh hưởng. Phương Tây đã thống nhất ý kiến ủng hộ bảo vệ Ukraine, vì thế mà làm leo thang đáng kể các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Theo đó, phương Tây quyết định cắt nước này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, và NATO là khối đoàn kết rõ ràng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập, để ngỏ cánh cửa quan hệ đối tác với Nga, và điều này có thể cung cấp hỗ trợ kinh tế quan trọng cho quốc gia bị trừng phạt.
Mặc dù chiến sự Nga - Ukraine chỉ mới diễn ra vài tuần nhưng nó đã đánh dấu một "thời điểm quyết định" trong việc định hình lại trật tự kinh tế mới. Cơ quan Economist Intelligence Unit cho biết, chiến sự Nga - Ukraine đã có những tác động lớn bên ngoài Đông Âu, từ lạm phát tăng vọt cho đến một cuộc khủng hoảng tị nạn lịch sử. Nhưng khi cuộc xung đột vẫn tiếp tục tiếp diễn, nó có thể làm rung chuyển trật tự kinh tế thế giới với những liên minh và chia rẽ mới.
Dưới đây là những cách mà chiến sự Nga - Ukraine sẵn sàng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu, theo Theo Economist Intelligence Unit.
Sự kết thúc của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh
Những thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh được xác định bởi sức mạnh của NATO và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Tuy nhiên, hai thập kỷ qua đã chứng kiến Trung Quốc bùng nổ kinh tế chưa từng có, và Nga hồi sinh sức mạnh địa chính trị của chính mình. Nhóm nghiên cứu của EIU cho biết, điều đó đã giúp gia tăng "sự cạnh tranh nội bộ phương Tây" và làm xói mòn vai trò của Mỹ với tư cách là cường quốc kinh tế chính trị toàn cầu. Chiến sự Nga - Ukraine là đỉnh cao của sự thay đổi đó và ám chỉ rằng, thời kỳ thống trị của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.
Các nhà kinh tế cho biết: "Chiến sự Nga - Ukraine là một thách thức rõ ràng đối với Mỹ, và cho thấy nền kinh tế thế giới đã dần trở nên bất ổn và nguy hiểm hơn nhiều".
Nếu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh được xác định bởi chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ, thì EIU coi những thập kỷ tiếp theo là hai "phe thù địch, cạnh tranh". Nhóm nghiên cứu cho biết, cuộc tấn công của Nga sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch khỏi chủ nghĩa toàn cầu và hướng tới chủ nghĩa khu vực, trong đó Trung Quốc và Nga là đối thủ cả về mặt chính trị lẫn kinh tế của phương Tây.
Một đường phân chia kinh tế mới ở Châu Âu
Sự phân chia nhỏ hơn cũng sẽ xuất hiện, đặc biệt là giữa EU và Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã kiểm tra trật tự quốc tế khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng việc đẩy mạnh chiến sự vào Ukraine có thể thiết lập một biên giới kinh tế khác trên thực tế mới ở châu Âu.
EIU cho biết: "Việc Nga từ chối 'trật tự dựa trên luật lệ' do phương Tây dẫn đầu báo hiệu sự quay lưng lại với châu Âu, và sự hình thành một khu vực lục địa kinh tế-chính trị mới, ba thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ", EIU cho biết.
Cải tổ quan hệ đối tác với Trung Quốc
Trong số những ẩn số lớn nhất của chiến sự Nga - Ukraine là Trung Quốc. Cường quốc kinh tế này đã hạn chế ủng hộ hoặc tố cáo cuộc chiến của Nga, nhưng thực tế mối quan hệ kinh tế của họ với Nga vốn đã làm xói mòn sức mạnh của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga đã xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc từ năm 2012, và thập kỷ qua đã chứng kiến Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Putin và Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Thế vận hội mùa đông gần đây nhất rằng, liên minh của họ sẽ "không có giới hạn" và là đối thủ của NATO, và có khả năng những mối quan hệ đó sẽ chỉ được củng cố thêm trong những năm tới, EIU cho biết.
"Những gì bắt đầu như một "cuộc hôn nhân thuận tiện" đã phát triển trong thập kỷ qua thành một quan hệ đối tác chiến lược", EIU nói. "Đối với Trung Quốc, một liên minh với Nga sẽ mang lại lợi ích an ninh dọc biên giới phía bắc, tài nguyên thiên nhiên và cách tiếp cận, cũng như dễ đối phó với phương Tây".
Tuy nhiên, xu hướng đó có thể buộc phương Tây phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc, nhóm nghiên cứu nói thêm. Giờ đây, Mỹ sẽ phải tập trung vào việc kiềm chế Nga trong khi cũng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại. Điều này khiến các đồng minh phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan rơi vào tình trạng ràng buộc, vì nhu cầu bảo vệ của họ đối với sự bảo vệ của Mỹ có thể sẽ tăng lên, EIU cho biết. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, một liên minh chống lại Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể xuất hiện khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc.
Các cường quốc sắp tới đang cố gắng xây dựng một trật tự đa cực đang bị Mỹ và các đồng minh chống lại
Thế giới đang nhanh chóng tiến tới đa cực, thể hiện rõ qua chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra. Đây là một điệp khúc phổ biến theo Usanas Foundation, cơ quan tư vấn địa chính trị và an ninh có trụ sở tại Udaipur.
Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Abhinav Pandya, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Usanas nhấn mạnh rằng, không ai có thể tưởng tượng rằng căng thẳng Nga-Ukraine sẽ chuyển thành một cuộc chiến toàn diện. Theo ông, sự xâm lược của Nga ở Ukraine sẽ có tác động đến kinh tế lẫn chính trị toàn cầu và cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc đối với Đài Loan và Ấn Độ. Ông nói, đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy một thế giới đang tiến nhanh tới đa cực.
Trong khi đó, Ararat Kostanian đến từ Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Học viện Khoa học Quốc gia Armenia cho biết, trật tự thế giới hiện nay có hai nhóm là Mỹ và các nước phương Tây, và sắp tới là các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Theo ông, các cường quốc sắp tới đang cố gắng xây dựng một trật tự lưỡng cực hoặc đa cực đang bị Mỹ và các đồng minh chống lại. Ông nói thêm rằng, nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các khu vực biên giới khác, chẳng hạn như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Anna Borshchevskaya, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington nhắc lại rằng, Nga phải chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng này và nó không phải là một cuộc xung đột hai bên, mà hoàn toàn do Tổng thống Nga Putin khởi xướng. Theo bà, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nền kinh tế lẫn chính trị toàn cầu phải đối mặt kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Anil Trigunayat, Cựu Đại sứ Ấn Độ Jordan, Libya và Malta tin rằng, mặc dù Ấn Độ có quan hệ đối tác kinh tế rất chặt chẽ với Nga, nhưng quan hệ của Ấn Độ với phương Tây cũng đã đạt được quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu trong thời gian gần đây. Điều này khiến Ấn Độ khó đứng về bên nào, và do đó, lựa chọn khả thi với Ấn Độ là cân bằng quan hệ với cả hai bên. Ông nói thêm rằng, có thể Ấn Độ đang tìm cách thúc giục cả hai bên giảm leo thang, và quay trở lại con đường cân nhắc.
Chiến sự Ukraine-Nga: Trung Quốc sẽ là huyết mạch kinh tế của Tổng thống Putin?
Trung Quốc có thể là một cứu cánh kinh tế cho Nga, khi nước này phải đối mặt với sự cô lập và phản đối ngày càng tăng trên trường quốc tế về cuộc xâm lược Ukraine. Khi phần lớn cộng đồng quốc tế tung ra các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, Bắc Kinh đã nổi lên như một nhân tố chính có khả năng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và làm suy yếu chiến dịch gây áp lực.
Trước đó, một thỏa thuận thương mại đã được ký kết trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 2. Sau đó, gần đây, cơ quan hải quan Trung Quốc thông báo dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì của Nga, chiếm hơn 1/4 nguồn cung toàn cầu vào thời điểm Putin phát động một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào nước láng giềng. Thủ tướng Australia Scott Morrison mô tả động thái này như kiểu Bắc Kinh ném "dây cứu sinh cho Nga vào giữa thời kỳ họ đang xâm lược nước khác".
Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis ở Hồng Kông nói với Al Jazeera: "Đó là một tín hiệu ủng hộ", đề cập đến việc nới lỏng các hạn chế thương mại".
García Herrero nói thêm: "Thực tế là họ sẽ phá vỡ sự cản trở từ các lệnh cấm này được ngầm hiểu, nếu không muốn nói là rõ ràng". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối mô tả các hành động của Nga là một "cuộc xâm lược" và cáo buộc Hoa Kỳ đã "châm lửa" cho cuộc khủng hoảng.
Sau cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Putin tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 2, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai nước là "không có giới hạn" và sẽ không có lĩnh vực hợp tác "bị cấm". Sau khi nới lỏng các hạn chế đối với lúa mì, Trung Quốc có thể giảm nhẹ đòn giáng của bất kỳ nỗi đau kinh tế nào gây ra cho Moscow, bằng cách tăng tỷ trọng nhập khẩu năng lượng của nước này. Bởi Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai.
Mỹ và EU sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga
Vào ngày 28 tháng 2, Mỹ đã công bố một gói trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), EU đã làm theo. Các biện pháp trừng phạt này sẽ ngăn CBR tiếp cận khoảng một nửa trong số 643 tỷ đô la Mỹ mà họ nắm giữ trong dự trữ ngoại hối bằng cách chặn khả năng chuyển đổi tài sản nắm giữ bằng đô la Mỹ và euro thành rúp. Biện pháp này cũng ngăn Nga khai thác Quỹ tài sản quốc gia khẩn cấp (NWF). Ngoài ra, Mỹ và EU đã thông báo rằng, một số ngân hàng Nga đã bị cắt khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán toàn cầu.
Giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong nhiều tháng
Do tác động toàn cầu của các lệnh trừng phạt, EIU dự kiến rằng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của chiến sự Nga - Ukraine đối với nền kinh tế thế giới sẽ đến dưới dạng giá hàng hóa cao hơn. Giá hàng hóa có thể tăng do ba yếu tố: lo ngại về nguồn cung, sự phá hủy cơ sở hạ tầng vật chất và các biện pháp trừng phạt. Giả định cốt lõi rằng nếu cả EU và Mỹ sẽ không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hydrocacbon của Nga thì ngay cả khi không có lệnh cấm vận, giá dầu, khí đốt, kim loại cơ bản và ngũ cốc sẽ tăng:
Giá dầu sẽ duy trì trên 100 USD/thùng miễn là xung đột bùng phát ở Ukraine. Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu hydrocacbon của Nga và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt thị trường hiện có. Một số nhà kinh doanh dầu cũng đang tránh dầu của Nga do lo ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ đối với các giao dịch tài chính với các thực thể của Nga.
Giá khí đốt sẽ tăng ít nhất 50% trong năm nay, cao hơn mức tăng gấp 5 lần năm ngoái. Châu Âu có kho dự trữ khí đốt hạn chế, và có những lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông 2022/23 Bắc bán cầu.
Nga cũng là nhà sản xuất chính của một số kim loại cơ bản (nhôm, titan, palađi và niken), tất cả đều sẽ tăng giá. Sau khi tăng đột biến ở tất cả các thị trường này vào năm ngoái, giá sẽ vẫn ở mức cao nhất chừng nào xung đột vẫn tiếp diễn. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến các lĩnh vực công nghiệp (chẳng hạn như công nghiệp ô tô) trên toàn cầu.
Giá các mặt hàng nông nghiệp (lúa mì, ngô, lúa mạch và hạt cải dầu) sẽ tăng cao. Tổng hợp lại, Ukraine và Nga chiếm hơn một phần tư thương mại lúa mì toàn cầu. Vì thế, sự gián đoạn đối với các tuyến đường thương mại ở Biển Đen sẽ làm tăng áp lực lên giá ngũ cốc.
Chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn
Các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng và thương mại, vì các công ty sẽ phải vật lộn để tìm các kênh tài chính thông qua đó có thể tiến hành thương mại với Nga. Ngoài ra, khả năng phá hủy một số cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là các cảng ở Ukraine) sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề chuỗi cung ứng hiện có. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng sẽ đến từ ba nguồn: khó khăn ảnh hưởng đến các tuyến đường bộ; hạn chế về liên kết hàng không; và việc hủy bỏ các tuyến đường biển từ Ukraine:
Các tuyến đường thương mại trên bộ giữa châu Á và châu Âu sẽ bị gián đoạn khi việc vận chuyển qua Nga trở nên khó khăn hơn. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến một số công ty Trung Quốc, những công ty đã tăng lưu lượng truy cập trên các tuyến đường bộ qua Nga (trên đường đến châu Âu) như một phương án thay thế cho vận tải đường biển, và đường hàng không trong đại dịch.
Quan hệ hàng không giữa Nga và châu Âu (và lần lượt là châu Á và châu Âu) sẽ bị cản trở nghiêm trọng sau quyết định của các nước EU đóng cửa không phận của họ đối với máy bay và hàng hóa của Nga (và biện pháp tương hỗ của Nga là đóng cửa không phận của mình đối với máy bay châu Âu). Khoảng 35% lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường hàng không trước đại dịch, khoảng một nửa trong số đó được vận chuyển bằng máy bay chở khách.
Các tuyến vận tải đường biển qua Biển Đen sẽ bị hủy bỏ trong vài tuần sau quyết định đóng cửa vận tải biển thương mại của Ukraine và động thái hạn chế quá cảnh qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình này sẽ có tác động đáng kể đến các chuyến hàng ngũ cốc quá cảnh qua các cảng của Ukraine, Nga, và có thể là của Bulgaria và Romania.
Lạm phát toàn cầu sẽ tăng trên 6% trong năm nay
Giá hàng hóa cao hơn sẽ thúc đẩy lạm phát toàn cầu trong năm nay và có thể là vào năm 2023. EIU đã dự báo lạm phát toàn cầu là gần 6% trong năm nay, nhưng giờ đây, mốc đó dự kiến sẽ bị vượt qua do giá hàng hóa tăng đột biến. Giá cao hơn cũng sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho các ngân hàng trung ương. Họ vốn đã bắt tay vào quá trình thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng hiện có thể lo ngại hơn về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đối với sự phục hồi sau đại dịch.
Tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng
Tác động kinh tế của cuộc xung đột sẽ chủ yếu ở Ukraine và Nga, cả hai đều sẽ trải qua những cuộc suy thoái mạnh trong năm nay. Những quốc gia Đông Âu tiếp xúc nhiều nhất với Nga trong hoạt động thương mại, chẳng hạn như Lithuania và Latvia cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột. Ở những nơi khác ở châu Âu, EU sẽ phải chịu một cú sốc về năng lượng, chuỗi cung ứng và thương mại.
Niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống. Một cuộc suy thoái sắp xảy ra?
Niềm tin của người tiêu dùng vào khu vực đồng euro đã bị ảnh hưởng vào tháng 3, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Điều này đánh dấu điểm dữ liệu tiêu cực đầu tiên về nền kinh tế khu vực đồng euro kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu và giá năng lượng tăng mạnh hơn nữa. Sự sụt giảm chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vào khu vực đồng euro từ -8,8 (trong tháng 2) xuống -18,7 (trong tháng 3) đưa niềm tin của người tiêu dùng xuống mức trước đây liên quan đến suy thoái. Đồng thời, triển vọng tiêu dùng đã bị che khuất do lạm phát tiếp tục gia tăng trong một tháng qua.
Kịch bản kinh tế toàn cầu nào cho tương lai gần?
Các kịch bản kinh tế của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey xoay quanh mức độ nghiêm trọng và thời gian của cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như tác động của các phản ứng của chính phủ toàn cầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Các cuộc chiến vốn dĩ không thể đoán trước, và kết quả thực tế có thể sẽ lộn xộn hơn bất kỳ phiên bản cách điệu nào. Những biến động mạnh trên thị trường tài chính gần đây đã minh họa cho sự không chắc chắn đó. Tuy nhiên, các kịch bản sẽ giúp định hình suy nghĩ về những gì có thể xảy ra phía trước.
Chiến sự Ukraine buộc các quốc gia phải rút lui khỏi toàn cầu hóa
Đại dịch và cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine đã làm giảm bớt sự bất ổn của trật tự kinh tế hiện có. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chính phủ và công ty tin rằng mối quan hệ kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn sẽ dẫn đến sự ổn định hơn. Nhưng cuộc chiến Ukraine và đại dịch đang đẩy thế giới đi theo hướng ngược lại và làm đảo lộn những ý tưởng đó.
Các bộ phận quan trọng của nền kinh tế tích hợp đang tháo gỡ. Các quan chức Mỹ và châu Âu hiện đang sử dụng các biện pháp trừng phạt để cắt các bộ phận chính của nền kinh tế Nga - nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới - khỏi thương mại toàn cầu và hàng trăm công ty phương Tây đã tự ngừng hoạt động tại Nga.
Các quan chức và giám đốc điều hành phương Tây cũng đang suy nghĩ lại về cách họ làm ăn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì căng thẳng địa chính trị và việc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền và sử dụng công nghệ tiên tiến để củng cố quyền kiểm soát chuyên quyền khiến các giao dịch của công ty trở nên căng thẳng hơn. Các động thái này đảo ngược các nguyên lý cốt lõi của các chính sách kinh tế và đối ngoại thời hậu Chiến tranh Lạnh được Mỹ và các đồng minh của họ áp dụng.
Gần đây, Tổng thống Joe Biden cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc rằng, sẽ có "hậu quả" nếu Bắc Kinh viện trợ vật chất cho Nga cho cuộc chiến ở Ukraine, một lời đe dọa ngầm về các lệnh trừng phạt.
Trung Quốc đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga, và Le Yucheng, Thứ trưởng Ngoại giao cho biết trong một bài phát biểu rằng: "Không nên vũ khí hóa toàn cầu hóa". Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng ngày càng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, khi Lithuania, Na Uy, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nằm trong số các mục tiêu.
Kết quả của tất cả sự gián đoạn cũng có thể là sự chia cắt thế giới thành các khối kinh tế, khi các quốc gia và công ty bị thu hút vào các góc hệ tư tưởng với các thị trường và nhóm lao động khác biệt, như họ đã làm trong phần lớn thế kỷ 20. Biden đã định hình chính sách đối ngoại của mình về mặt ý thức hệ, điển hình là ông đang ban hành một chính sách đối ngoại đối với tầng lớp trung lưu của Mỹ, và trọng tâm là thúc đẩy các công ty chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc và đến các quốc gia thân thiện hơn.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Mỹ cho biết, cuộc chiến sự đã khởi động "các lực lượng phi toàn cầu hóa có thể gây ra những tác động sâu sắc và khó lường". Quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn bền chặt, mặc dù quan hệ ngày càng xấu đi. Nhưng với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga, nhiều quốc gia không phải là đối tác trung thành của Mỹ giờ đây đã nhận thức rõ hơn về nguy cơ bị ràng buộc về mặt kinh tế đối với Mỹ và các đồng minh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận