24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'1 luật sửa 9 luật' không có cơ chế kiểm soát khả năng phát sinh tham nhũng chính sách

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện 1 luật sửa 9 luật, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ hết sức lưu ý và có biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách.

Văn phòng Chủ tịch nước vừa họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thị đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Theo đó, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.

Xung quanh nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã có trao đổi với Nhadautu.vn và một số cơ quan báo chí để nói rõ hơn về "1 luật sửa 9 luật" này.

Việc áp dụng hình thức "1 luật sửa nhiều luật" có nên áp dụng thường kỳ hay không, chứ không chỉ tại kỳ họp bất thường?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.

Vì vậy, theo tôi, tới đây chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thi hành pháp luật theo tinh thần Đại hội 13 của Đảng. Chúng ta cố gắng hạn chế tối đa, không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này, chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và cũng chỉ nên sử dụng để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể mà chúng ta đã phát hiện, nhận diện đầy đủ, được đánh giá tác động kỹ lưỡng, vì sử dụng kỹ thuật này khá phức tạp.

Vậy cơ sở nào để áp dụng "1 luật sửa nhiều luật" khi các lĩnh vực được điều chỉnh là khác nhau?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Như tôi vừa nêu ở trên, đây là kỹ thuật lập pháp mới và chỉ sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết, với nhu cầu cấp bách, đặc biệt là sử dụng trong lĩnh vực có quan hệ xã hội gần với nhau.

Để dễ áp dụng, biện pháp nào để sau khi công bố luật, các tổ chức cá nhân đều hiểu rõ các quy định của luật?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Về mặt kỹ thuật, chúng ta sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo đúng tinh thần của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cần đọc văn bản hợp nhất.

Về chống tham nhũng chính sách, chúng ta tiến hành đồng bộ các biện pháp, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Có thể 1 quy định của pháp luật rất tốt, nhưng trong quá trình tổ chức thi hành mà không chặt chẽ, không có cơ chế kiểm soát thì có khả năng phát sinh tham nhũng chính sách. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Ví dụ, luật này sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, thì chúng ta sẽ tra cứu trong luật hợp nhất, qua đó, dễ dàng phát hiện quy định nào đã được sửa đổi bổ sung và nội dung như thế nào để áp dụng đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, tới đây, Bộ Tư pháp và các bộ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được quy định trong luật sửa đổi bổ sung sẽ tăng cường phổ biến pháp luật, cập nhật đầy đủ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ quy định này và áp dụng đồng bộ, thống nhất trong thực tế.

Luật sửa đổi các vấn đề lớn, vậy đánh giá tác động của luật đã đầy đủ chưa, có biện pháp gì để phòng chống tham nhũng chính sách?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Về nguyên tắc, Luật sửa đổi bổ sung 9 luật chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm còn vướng mắc, bất cập lớn mà chúng ta phát hiện thời gian qua đã chín, không thể không sửa để khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo. Luật được thông qua tại kỳ họp bất thường, nhưng trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, là các bộ quản lý 4 lĩnh vực lớn trong luật đã đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc.

Các chính sách lớn đều đã được các bộ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp đều thẩm định cụ thể, chi tiết. Các chính sách đều đã được lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động. Chính phủ đã trình Quốc hội từ tháng 6/2021, do chương trình kỳ họp cuối năm 2021 có nhiều việc nên Quốc hội đã xếp vào chương trình kỳ họp bất thường đầu năm nay.

Các điểm sửa đổi, bổ sung đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cho nên, chắc là không có nguy cơ phát sinh trục lợi chính sách, bởi chúng ta đã nhận diện khá kỹ, khá cụ thể và khi được đưa vào áp dụng thì chỉ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Về chống tham nhũng chính sách thì chúng ta tiến hành đồng bộ các biện pháp, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Có thể 1 quy định của pháp luật rất tốt, nhưng trong quá trình tổ chức thi hành mà không chặt chẽ, không có cơ chế kiểm soát thì có khả năng phát sinh tham nhũng chính sách.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ hết sức lưu ý vấn đề này, có biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách.

Trong vấn đề phòng, chống tham nhũng thì vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí cực kỳ quan trọng. Chúng tôi mong phóng viên khi phát hiện các dấu hiệu của tham nhũng chính sách thì kịp thời phản ánh để các cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả