1,5 tỉ USD khối ngoại vẫn ở lại, động lực của chứng khoán Việt Nam là gì?
Theo Bloomberg, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,5 tỉ USD từ đầu năm đến nay, mạnh nhất từ trước đến giờ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khối ngoại vẫn ở lại, động lực tăng trưởng đến từ những nhà đầu tư F0 trong nước
Lý giải về việc bán ròng này, ông Vũ Chí Dũng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) khẳng định, dòng vốn nước ngoài vẫn ở Việt Nam, chỉ thay đổi danh mục đầu tư.
"Nếu tính trên quy mô và điều chỉnh danh mục đầu tư thì NĐT nước ngoài có rút ra trên thị trường cổ phiếu nhưng lại đầu tư trên thị trường trái phiếu (hơn 9.000 tỉ đồng)", ông Dũng cho biết.
Cụ thể, quy mô dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức cao so với thời điểm tháng 12 năm 2020. Dù dòng vốn ngoại trên thị trường có sự luân chuyển ra vào nhưng tổng danh mục của NĐT nước ngoài trên thị trường chứng khoán là hơn 51,3 tỉ USD.
Theo ông Dương Ngọc Tuấn (Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đến hết quý II năm nay, VSD ghi nhận số lượng tài khoản mã số giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tổ chức được cấp là khoảng gần 5.000 mã. VSD đánh giá, số lượng trading code của các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có sự tăng trưởng qua các tháng.
Không những thế, Trung tâm còn có sự hiện diện của những nhà đầu tư có danh mục đầu tư ở quy mô toàn cầu. Các tổ chức Lưu ký toàn cầu đã có hoạt động tại thị trường Việt Nam như Citibank, HSBC, Standard Chartered...
Cũng theo ông Tuấn, động lực chính cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm nay không phải đến từ khối ngoại mà đến từ những NĐT F0 trong nước mới. "F0 thế hệ mới năng động, có kiến thức am hiểu thị trường và có cả khả năng tài chính nhất định".
Thị trường chứng khoán nước ta có độ mở lớn nhưng vẫn cần thêm giải pháp
Các chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có độ mở lớn với NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, yếu tố giữ chân họ còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá với từng thị trường muốn tham gia.
Để thu hút thêm NĐT trong và ngoài nước "xuống tiền" vào thị trường chứng khoán, chúng ta không chỉ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mà còn hơn thế nữa.
Theo ông Vũ Chí Dũng, cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng quy mô cũng như tăng số lượng và cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết.
"Trong những đề án đang nghiên cứu có việc đưa ra sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, những sản phẩm mới trên thị trường hay như đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đang nghiên cứu về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết…", ông nói.
Ông Dương Ngọc Tuấn bổ sung: "Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có kết quả kinh doanh khả quan, nâng cao chất lượng quản trị công ty, để tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, từ đó thu hút tốt hơn những luồng vốn đầu tư có chất lượng vào thị trường".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận