Lĩnh vực: Tài chính
Giải thích thuật ngữ
CFD
CFD là một công cụ tài chính, nó tạo ra nhằm để giao dịch mọi thứ biến động trên thị trường. Như vậy, bạn không chỉ có thể giao dịch các loại hàng hóa như vàng, dầu, cổ phiếu, tiền tệ…. mà bạn còn có thể giao dịch cả các chỉ số chứng khoán, chỉ số tiền tệ …..
Trong giao dịch CFD, khái niệm “mua” và “bán” chỉ là tương đối, thực chất nó đơn giản chỉ là “mở” và “đóng” một vị thế giao dịch. Mở vị thế nhằm kỳ vọng giá lên để thu lời thì gọi là “LONG”, còn mở vị thế nhằm kỳ vọng giá xuống để thu lời thì gọi là “SHORT”.
Một giao dịch CFD được coi là hoàn thành chỉ khi người ta đã đóng vị thế mở trước đó.
Khi đóng vị thế, người bán sẽ trả cho người mua mức chênh lệch giữa giá hiện tại và giá khi mở vị thế, nếu giá của tài sản cụ thể tăng lên. Hoặc ngược lại, nếu giá của tài sản cụ thể giảm đi, và mức chênh lệch giữa giá hiện tại và giá ban đầu bị âm, thì người mua phải trả mức chênh lệch cho người bán. Đó là lý do vì sao mà người ta gọi đó là “hợp đồng chênh lệch”.
Khi bạn giao dịch CFD của các loại hàng hóa (cà phê, cao su..), cổ phiếu, tiền tệ, dầu, kim loại… thì không phải bạn mua bán trực tiếp các loại hàng hóa đó, mà là bạn giao dịch giá trị biến động của các chỉ số liên quan đến nó.
Đã là giao dịch thì phải gồm có giá và khối lượng. Khối lượng trong CFD thì được chia ra theo các lô (lot). Mỗi lot của các chỉ số được giao dịch sẽ có các giá trị khác nhau.
CFD không đòi hỏi người mua phải nhận tài sản sau khi mua, vì mục đích của CFD là đầu cơ trên thị trường tài chính nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch. Một khi đã mở lệnh thì người mua buộc phải đóng lệnh đó để xác định mức chênh lệch nhằm thu lời hoặc bù lỗ từ phần chênh lệch đó.