Thế giới tuần qua: Tín hiệu tích cực từ xung đột
Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã mở ra cơ hội an toàn hơn cho nhiều con tin ở cả hai phía. Trong khi đó, 41 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm ở Ấn Độ vẫn chưa được giải cứu; Tòa án Indonesia công bố hồ sơ vụ siro ho nhiễm độc; WHO cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh;… là một số tin tức đáng chú ý của thế giới tuần qua (20-26/11).
1. Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
Ngày 22/11, Israel và phong trào Hamas lên tiếng xác nhận việc đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Gaza do Qatar đóng vai trò trung gian. Thỏa thuận đánh dấu bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Trong thông báo phát đi cùng ngày, Chính phủ Israel cho biết để đổi lấy việc Hamas thả con tin, phía Israel đã đồng ý trao trả tự do cho các con tin Palestine và cho phép tiếp cận thêm viện trợ nhân đạo vào khu vực bị bao vây. Theo thỏa thuận vừa đạt được, Hamas sẽ thả ít nhất 50 con tin, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, để đổi lấy việc Israel trao trả tự do cho 150 tù nhân nữ và thiếu niên Palestine đang bị giam giữ tại các nhà tù của Israel.
Ngày 25/11, Ai Cập đã nhận được những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên liên quan trong xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas về khả năng kéo dài lệnh ngừng bắn nhân đạo hiện nay tại Dải Gaza thêm 1 hoặc 2 ngày.
Quan chức đứng đầu Cơ quan thông tin nhà nước Ai Cập (SIS) Diaa Rashwan cho biết Ai Cập đang có các cuộc đàm phán khẩn trương với tất cả các bên, nhằm đạt được thỏa thuận về việc gia hạn lệnh ngừng bắn. Theo thông báo, điều này có nghĩa là sẽ có thêm các con tin được phía Hamas trao trả cũng như thêm nhiều người Palestine được thả khỏi các khu giam giữ của Israel.
Theo số liệu do Văn phòng truyền thông của phong trào Hamas công bố ngày 21/11, số người Palestine thiệt mạng do xung đột ở dải Gaza đã vượt qua 14.000 người kể từ ngày 7/10. Trong số những người thiệt mạng có 5.840 trẻ em và 3.920 phụ nữ, chưa kể tới hơn 33.000 người khác đã bị thương. Cũng theo số liệu cập nhật, số người mất tích ở Gaza hiện đã vượt quá 6.800 người, trong đó có 4.500 trẻ em và phụ nữ đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel.
Ấn Độ: Vẫn chưa đưa được 41 công nhân ra ngoài sau 2 tuần mắc kẹt
Sau 2 tuần xảy ra vụ sập đường hầm cao tốc tại bang Uttarakhand của Ấn Độ, các nỗ lực cứu hộ đã đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa thể đưa 41 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài.
Tòa án Indonesia công bố hồ sơ vụ siro ho nhiễm độc
Ngày 23/11, những tài liệu công bố của tòa án ở Indonesia đã lần đầu tiên hé mở hàng loạt sự kiện và tình tiết liên quan đến cáo buộc thuốc siro ho của công ty dược phẩm Afi Farma có chứa hàm lượng chất độc hại cao quá mức cho phép. Vụ việc đã khiến hơn 200 trẻ em nước này tử vong hồi năm 2022.
Theo phán quyết của tòa án dài 373 trang chưa từng được công bố, vụ việc nói trên bắt nguồn từ những sự kiện và tình tiết xảy ra trong năm 2021. Đây là thời điểm thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tá dược propylene glycol (có tên khác là PG). PG là một trong những thành phần chính để sản xuất thuốc siro ho.
Không chỉ Indonesia, các nước như Gambia, Uzbekistan năm ngoái cũng ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc. WHO cũng đang hợp tác với các quốc gia này để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho này.
WHO cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh
Ngày 23/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang làm giảm hiệu quả của thuốc và sinh ra vi khuẩn kháng thuốc, điều có thể khiến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2050.
WHO khu vực châu Âu đã thực hiện nghiên cứu tại 14 quốc gia, chủ yếu ở Đông Âu và Trung Á, cho thấy thuốc kháng sinh được kê đơn cho những bệnh như cảm lạnh (24%), các triệu chứng giống cúm (16%), viêm họng (21%) và ho (18%). Ngoài ra, ở tất cả 14 nước này, hơn 30% trong số khoảng 8.200 người được hỏi ý kiến cho biết đã sử dụng thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc. Ở một số quốc gia, hơn 40% thuốc kháng sinh được sử dụng mà không có khuyến nghị của bác sĩ.
Theo WHO, mặc dù kháng thuốc kháng sinh là một hiện tượng tự nhiên nhưng sự phát triển và lây lan của siêu vi khuẩn đang tăng nhanh do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. WHO cảnh báo nếu không có các biện pháp can thiệp ngay lập tức, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2050. WHO cho rằng người dân có thể chưa hiểu hết về thuốc kháng sinh, theo đó họ có thể dùng sai mục đích. Nghiên cứu trên cho thấy cần nâng cao nhận thức cho người dân về thuốc kháng sinh.
WHO xác định tình trạng kháng thuốc kháng sinh là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Do đó, chủ đề của Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) diễn ra từ ngày 18-24/11 tại thủ đô Harare của Zimbabwe là “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp can thiệp đa ngành để bảo vệ hiệu quả của thuốc kháng sinh./.
Chia sẻ thông tin hữu ích