Zambia vỡ nợ nước ngoài
Zambia đang chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đầy khó khăn với các trái chủ nước ngoài sau khi cho biết không thể trả lãi đối với một số trái phiếu châu Âu mà họ đã phát hành. Điều này khiến Zambia trở quốc gia châu Phi đầu tiên bị vỡ nợ nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Việc trái chủ từ chối giảm hoặc hoãn nợ cho chính quyền Zambia đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ với hàng loạt chủ nợ của Zambia, từ quỹ hưu trí ở châu Âu cho tới các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc. Hiện tại Zambia nợ gần 12 tỷ USD.
“Vụ vỡ nợ có thể gây thêm thách thức cho công cuộc tái cấu trúc trật tự và kịp thời”, Samir Gadio, Trưởng bộ phận chiến lược châu Phi tại Standard Chartered Bank tại London, cho hay.
“Một cuộc vỡ nợ kéo dài có thể khiến một số nhà đầu tư bán tống bán tháo các trái phiếu này”, qua đó kéo giảm giá của trái phiếu vốn đã thấp hơn 50% so với mệnh giá, ông nói thêm.
Những người nắm giữ trái phiếu châu Âu do Zambia phát hành với tổng trị giá 3 tỷ USD đã từ chối yêu cầu hoãn trả lãi trong 6 tháng và giai đoạn ân hạn đối với khoản thanh toán lãi coupon quá hạn 42.5 triệu USD đã chấm dứt trong ngày 13/11, từ đó châm ngòi cho một vụ vỡ nợ.
Hiện Zambia không thể tiếp cận tới thị trường vốn nước ngoài trong nhiều năm tới giữa lúc chật vật giảm bớt núi nợ chồng chất và giải quyết những thách thức về tài chính.
“Tôi cho rằng cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ đối với trái phiếu châu Âu sẽ rất khó khăn và tôi đoán cuộc đàm phán sẽ kéo dài”, Phillip Blackwood, Cố vấn cho Sydbank, nhận định.
Vụ vỡ nợ sẽ khiến tình hình tài chính của Zambia vốn đã căng thẳng nay còn căng thẳng hơn, Gustavo Medeiros, Phó Trưởng phòng nghiên cứu tại Ashmore Group – vốn đang giữ trái phiếu định danh bằng USD của Zambia, cho hay. Các trái phiếu định danh bằng nội tệ của Zambia vốn đã có lợi suất lên tới 33% và đồng Kwacha đã mất gần như 50% giá trị so với đồng USD trong năm nay.
Zambia đã đưa ra yêu cầu đóng băng phần thanh toán lãi vay như là một phần Sáng kiến tạm hoãn trả nợ của G20 – một thỏa thuận giữa các quốc gia giàu có để tạm hoãn các khoản thanh toán lãi vay đối với các quốc gia nghèo. Chính phủ cho biết họ đang kêu gọi tất cả các chủ nợ nước ngoài, bao gồm cả những người cho vay tư nhân, gia hạn nợ cho Zamiba.
“Chính phủ cam kết theo đuổi một cuộc tráo đổi mang tính xây dựng và rất minh bạch với tất cả trái chủ”, Bộ trưởng Tài chính Zambia Bwalya Ng’andu cho biết trong ngày 13/11.
Các chính phủ khác không nên xem Zambia là một ví dụ về cách tiếp cận tái cấu trúc nợ, Simon Quijano-Evans, Chuyên gia kinh tế tại Gemcorp Capital, cho biết.
“Zambia không thể được sử dụng để so sánh với các quốc gia khác, đơn thuần là vì họ không thể tiếp cận tới IMF trong vài năm qua và cũng không minh bạch về thông tin”, Simon Quijano-Evans cho biết. “Các quốc gia khác như Angola và Ghana làm điều ngược lại với Zambia và do đó có vị thế tốt hơn quốc gia châu Phi này rất nhiều”.
Mặc dù dịch Covid-19 tung thêm cú đấm bồi vào tình hình tài chính của Zambia, nhưng vấn đề nợ của nước này đã bắt đầu từ nhiều năm về trước. Chính phủ Zambia vay nợ quá nhiều kể từ năm 2012, bất chấp lời cảnh báo từ IMF về những rủi ro căng thẳng vì nợ nần.
Một số nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu châu Âu, bao gồm Blackwood, tranh luận rằng vấn đề của Zambia chỉ mới xuất hiện trong những năm sau khi họ vay nợ từ thị trường nước ngoài và chuyển sang vay Trung Quốc. Quốc gia này bán trái phiếu bằng USD đầu tiên trong năm 2012 và lần gần nhất là trong năm 2015.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận