Zalo không muốn là mạng xã hội?
Khi phải hoạt động theo giấy phép mạng xã hội, Zalo sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi và thua thiệt so với các mạng xã hội nước ngoài...
Khi Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM có văn bản đề nghị thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần VNG vì không có giấy phép thiết lập mạng xã hội, thì nhiều người mới ngã ngửa và không khỏi ngạc nhiên vì Zalo là "mạng xã hội" lớn thứ hai tại Việt Nam, vì Zalo thuộc công ty Internet được xem là lớn nhất hiện nay.
Và ngạc nhiên hơn khi năm 2018 Zalo đã bị phạt vì không có giấy phép mạng xã hội, nhưng đến nay, VNG vẫn "chưa buồn" xin giấy phép mạng xã hội cho Zalo(?!)
Chỉ muốn là OTT
Zalo "khởi thủy" là OTT - ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí (tương tự như Viber, WhatsApp, Line, Kakao Talk, Mocha…) được VNG ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8/2012 (bản thử nghiệm) và 4 tháng sau ra bản chính thức. Đến giữa tháng 1/2014, VNG công bố đạt 7 triệu người dùng, đứng thứ 2 tại thị trường trong nước, sau Viber - tốc độ phát triển được xem là khá ấn tượng đối với một sản phẩm công nghệ Việt.
Đến nay, theo công bố của VNG, Zalo đã có hơn 100 triệu người sử dụng tại Việt Nam và nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Hiện ứng dụng này có khoảng 46 triệu người sử dụng hàng tháng. Zalo đang là "mạng xã hội" có thị phần đứng thứ hai tại Việt Nam, sau Facebook (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm, sự đầu tư và sáng tạo của VNG trong việc xây dựng và phát triển Zalo để có thể đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với hàng loạt ứng dụng của các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, như Viber, Youtube, Facebook…, khi mà hàng chục các ứng dụng OTT khác cả trong nước và nước ngoài không thể cạnh tranh nổi, hoặc đã bị bật bãi hoặc "sống một cách teo tóp".
Zalo đặc biệt còn đang trên hành trình trở thành một "siêu" ứng dụng. Trên ứng dụng này, người dùng có thể mua sắm (Zalo Shop), tra cứu xe bus phục vụ đi lại, tra cứu thông tin thời tiết, mua vé máy bay, tra cứu vệ sinh an toàn thực phẩm các cửa hàng ăn uống, cập nhật thông tin y tế, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn điện nước.
Không chỉ vậy, Zalo của VNG hiện còn hợp tác với trên 30 tỉnh thành trong việc triển khai mô hình hành chính công 4.0, nhằm cải cách hành chính và tương tác với người dân, xây dựng mô hình thành phố thông minh, cung cấp cho người dân tính năng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất…
Mặc dù sự phát triển của "siêu" ứng dụng Zalo rất đa dạng và phong phú như trên, tuy nhiên, trong các thông tin công bố hay chia sẻ trước truyền thông, lãnh đạo VNG luôn luôn khẳng định Zalo là một OTT. Từ khi ra đời đến nay Zalo vẫn là một OTT và sẽ đi theo mô hình OTT. Hiện nay Việt Nam chưa có chính sách quản lý đối với OTT nên việc phát triển, sáng tạo trên Zalo do đó cũng được tự do, thoải mái hơn.
Vì sao không muốn là mạng xã hội?
Dù không thừa nhận mình là mạng xã hội nhưng nhìn vào cách thức và mô hình hoạt động thì ai cũng cho rằng Zalo là một mạng xã hội. Ngoài những tính năng như các mạng xã hội khác như đăng tải thông tin, hình ảnh, like, bình luận (comment)…, Zalo còn đang cung cấp rất nhiều mô hình hoạt động như Zalo Shop theo mô hình thương mại điện tử, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ đặt xe Zalo Transport, hay dịch vụ tổng hợp tin tức Zalo Channel.
Bản thân Zalo cũng được người dùng, giới công nghệ, start-up, và cả các cấp quản lý nhà nước rất nhiều lần nhắc đến là mạng xã hội, như một điển hình, một thành công trong lĩnh vực công nghệ và thậm chí là niềm tự hào của một sản phẩm công nghệ Việt.
Vậy vì sao VNG lại không muốn xin giấy phép thiết lập mạng xã hội cho Zalo? Câu trả lời chính xác nhất chắc chắn phải đến từ lãnh đạo VNG. Tuy nhiên, VNG chưa một lần trả lời chính thống về lý do trên.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nội dung số cho biết, việc xin giấy phép thiết lập mạng xã hội rất đơn giản, không có gì khó khăn cả. Bản thân công ty của ông cũng đã xin mấy giấy phép mạng xã hội. "Ở đây Zalo là mạng xã hội to nhất, có thương hiệu vị thế trên thị trường, có khả năng cạnh tranh được với các mạng xã hội của nước ngoài thì việc xin giấy phép có thể sẽ còn dễ hơn", vị này nói.
Việc không xin giấy phép thiết lập mạng xã hội cho Zalo của VNG chắc hẳn phải có nguyên cớ bởi năm 2018, Zalo cũng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM xử phạt với lý do không phép, sau đó là nhắc nhở, thúc giục công ty cần sớm có giấy phép mạng xã hội cho Zalo. Dù vậy VNG vẫn không buồn xin giấy phép để rồi lại tiếp tục bị phạt và nặng nề hơn là bị đề nghị rút giấy phép hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me như ở sự vụ mới diễn ra.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp nội dung số trên, khi Zalo hoạt động theo hình thức mạng xã hội chắc chắn sẽ bị "quản" chặt hơn nhiều ở các quy định về kỹ thuật như về thời gian lưu trữ thông tin tài khoản, quy định về tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người dùng, ngăn chặn loại bỏ thông tin vi phạm, hay thiết lập cơ chế cảnh báo khi người dùng đăng thông tin có nội dung vi phạm; và đặc biệt là những quy định về nội dung như thời gian loại bỏ nội dung vi phạm… (theo quy định tại Nghị định Số 27/2018/NĐ-CP).
"Chính bởi chịu những quy định, những điều khoản khác nhau nên quá trình phát triển, sáng tạo của ứng dụng sẽ không bắt kịp được xu thế thế giới, xu thế xã hội, và nếu cố bắt kịp thì cũng rất dễ bị phạt, và mọi "ngả đường" như vậy đều khiến cho doanh nghiệp, cho sáng tạo không thể phát triển được", vị này phân tích và cho rằng đây có thể là lý do chính khiến VNG không xin giấy phép thiết lập mạng xã hội cho Zalo.
Trách nhiệm ở chính sách
Với mô hình hoạt động hoàn toàn theo mạng xã hội, Zalo tất nhiên muốn tiếp tục duy trì thì bắt buộc phải xin giấy phép thiết lập mạng xã hội, theo quan điểm của cơ quan quản lý.
Nhưng cũng phải nhìn thấy một viễn cảnh trước mắt, khi Zalo hoạt động theo giấy phép mạng xã hội, với những quy định như lý giải ở trên, Zalo sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi và thua thiệt so với các mạng xã hội nước ngoài đang hoạt động "ngoài vòng pháp luật" tại Việt Nam. Trong khi chính việc không chịu ràng buộc các quy định quản lý khi hoạt động theo hình thức OTT, Zalo mới có cơ sở để phát triển, sáng tạo, lớn mạnh và cạnh tranh sòng phẳng được với các mạng nước ngoài trong suốt thời gian qua.
Quy định mạng xã hội cũng sẽ đặt Zalo vào tình thế cạnh tranh không bình đẳng, và cũng không có gì đảm bảo rằng về sự không "trượt dốc" của Zalo khi bị bất lợi nhiều mặt.
Một lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ thông tin (thuộc doanh nghiệp Nhà nước) cho rằng, lâu nay cơ quan quản lý cứ nói hỗ trợ tối đa cho mạng xã hội trong nước phát triển nhưng hơi tí lại đè ra phạt, trong khi các mạng xã hội nước ngoài ảnh hưởng đến an ninh, chính trị như thế thì vẫn tung hoành. "Ở đây đang tồn tại vấn đề bảo hộ ngược, rất lớn", vị lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, không ít lần bức xúc "tố" một loạt các bất cập trong chính sách quản lý đối với lĩnh vực nội dung số. Theo ông Tân, bình thường doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải làm theo quy định, sai thì phạt, rồi thanh kiểm tra, nhưng ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Youtube… không phải kiểm duyệt, giải trình khi có nội dung được xem là không tích cực.
"Hoặc nếu cấp phép làm con cá thì chỉ được phép làm con cá. Nếu làm trang tin điện tử thì không làm mạng xã hội. Đã làm nhạc trực tuyến thì không được làm thông tin tổng hợp…", ông Tân nêu một loạt ví dụ về việc "nếu làm theo quy định thì sẽ khổ thế nào"!
Soi chiếu ở nhiều góc độ, dẫn giải trên, câu chuyện Zalo trong vụ việc mới đây không nên nhìn đơn thuần ở góc độ có phép hay không có phép, mà vấn đề lớn hơn, toàn diện hơn, mang tính chất mở đường là doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các start-up cần lắm một cơ chế để được thỏa sức sáng tạo, phát triển trong môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp, các ứng dụng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận