Yuanta Việt Nam: NIM ngân hàng sẽ giảm khi quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn co hẹp
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam mới đây đã có báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng.
Lợi nhuận tăng tích cực trong Q2/2022.
Tổng LNST của CĐCT mẹ (PATMI) của 27 ngân hàng niêm yết đạt 51 nghìn tỷ đồng (-7%/+37%) trong Q2/2022. Lợi nhuận giảm so với quý trước trước chủ yếu do khoản thu nhập ngoài lãi bất thường ghi nhận trong Q1/2022 chứ không phải do sụt giảm trong hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, lợi nhuận lại tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do cải thiện hoạt động kinh doanh: thu nhập ngoài lãi và thu nhập phí tăng, trong khi chi phí tín dụng giảm.
Thu nhập lãi ròng tăng +8%/ +16% do tín dụng tăng. Tín dụng tăng trưởng +10,2% trong nửa đầu năm 2022 (1H22), so với mức tăng +7,7% trong 1H21. Biên lãi ròng (NIM) của toàn ngành (được đo lường trên tổng tài sản) đạt 3,64% trong Q2/2022 (+12bps/ -8bps). Sự gia tăng nhẹ của lãi suất cho vay được cho là động lực giúp NIM tăng so với quý trước, trong khi sự gia tăng của chi phí huy động vốn là nguyên nhân khiến NIM giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Dư nợ cho vay là yếu tố quan trọng đối với thu nhập lãi ròng và LNHĐKD trước dự phòng trong thời gian tới, do NIM có thể sẽ bị thu hẹp khi chi phí huy động vốn tăng.
Hầu hết các ngân hàng đều đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu và đang chờ đợi Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cho phép nâng hạn mức tín dụng. Yuanta Việt Nam kỳ vọng NHNN sẽ tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối Q3/2022. Các ngân hàng như MBB và VCB có chất lượng tài sản tốt và đang tham gia vào hoạt động tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo quan điểm của Yuanta Việt Nam.
Theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, NHNN đang nỗ lực để củng cố giá trị của đồng VND trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh so với đầu năm. Những sự kiện này làm tăng chi phí huy động vốn của các ngân hàng, và chúng tôi cho rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người đi vay theo chủ trương của NHNN để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc có thể chỉ tăng nhẹ. Do đó, NIM của toàn ngành trong năm 2022 có thể sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Sự tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau. Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ LDR (cho vay / huy động vốn) thấp như HDB, MSB, VIB và VPB sẽ ít bị áp lực hơn trong việc gia tăng chi phí huy động vốn so với các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao.
Các nhà đầu tư nên tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (như TCB, MBB và VCB), những ngân hàng này có khả năng hạn chế tốt những tác động tiêu cực đối với NIM khi chi phí huy động vốn gia tăng.
Hầu hết các ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn trong Q2/2022, nguyên nhân là do tín dụng bị eo hẹp trong Q2/2022, khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân, và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán. Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cho rằng CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được tăng lên và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ diễn ra vào cuối Q3/2022.
Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động lên tỷ lệ NIM của các ngân hàng. NHNN dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống còn 34% vào tháng 10/2022. Do đó, các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao sẽ phải giảm bớt, hoặc có thể các ngân hàng đó không còn nhiều dư địa để tăng tỷ lệ này lên và cải thiện NIM. Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp (như ACB, HDB, MSB và VPB) vẫn còn dư địa có thể cho vay và từ đó tăng NIM. Yuanta Việt Nam không có đủ dữ liệu để so sánh tất cả các ngân hàng vì nhiều ngân hàng không công bố dữ liệu này.
Thu nhập khác ròng đạt 9,1 nghìn tỷ đồng (-35% / +42%). Thu nhập giảm so với quý trước do trong quý 1 ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi bất thường. Nếu không tính đến khoản phí trả trước từ thỏa thuận banca của VPB hồi Q1/2022, thì thu nhập khác ròng của toàn ngành (phần lớn là xử lý nợ xấu) tăng khoảng +7% / +42%.
Dự phòng toàn ngành giảm -14%, giúp thúc đẩy lợi nhuận Q2/2022. Hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao (như VCB, BID, MBB, CTG, ACB và TCB) đều giảm dự phòng trong Q2/2022 do dư nợ tái cơ cấu đã đạt đỉnh trong Q1/2022. Trên thực tế, ACB đã hoàn nhập 267 tỷ đồng dự phòng trong Q2/2022. Ngược lại, các ngân hàng với tỷ lệ LLR thấp đã tăng dự phòng trong Q2/2022. Yuanta Việt Nam kỳ vọng dự phòng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận