Yếu tố nào thúc đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên?
Thành công của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch đã cho các nhà đầu tư một số lý do để lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán nước này.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang có một khởi đầu năm tốt nhất trong 13 năm qua, với chỉ số CSI 300 tăng 7,4% từ đầu tháng 1/2021 đến nay. Điều này cho thấy mối quan tâm lớn của các nhà kinh doanh trong việc tăng cường đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là “Điều gì đang thúc đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên?”.
Vào đầu năm 2020, tình hình trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không mấy thuận lợi. Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thế giới và các nhà đầu tư lo lắng. Đại dịch COVID-19 cũng là một yếu tố không chắc chắn.
Trung Quốc là nước đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, khiến hoạt động kinh doanh ở một số khu vực bị đình trệ và GDP suy giảm. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp cứng rắn này, Trung Quốc đã có thể kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn các nước khác.
Sang quý II/2020, tăng trưởng kinh doanh bắt đầu phục hồi và các chỉ số kinh tế như xuất khẩu, đầu tư vào tài sản cố định, tiêu dùng nội địa, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), đều được cải thiện hàng tháng.
Thành công của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch đã cho các nhà đầu tư một số lý do để lạc quan. Theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Trung Quốc, nước duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thể hiện động lực tích cực vào cuối năm 2020, sẽ chứng tỏ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 với mức tăng khoảng 8%.
Mặt khác, rõ ràng con số tăng trưởng là do ảnh hưởng của một điểm xuất phát thấp, sau khi rơi vào đỉnh điểm đại dịch, đà phục hồi dĩ nhiên sẽ nhanh hơn.
Bình luận về đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc, hãng tin Bloomberg chú ý đến những tuyên bố lạc quan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy trong hàng trăm năm qua, nhưng tình hình này đang có lợi cho Trung Quốc.
Ông cho rằng thời điểm hiện tại có cả thách thức và cơ hội, nhưng nhìn chung, cơ hội nhiều hơn. Bian Yongzu - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik cho hay một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc gần đây đang phát triển tốt hơn các nước khác. Cùng với xu hướng tích cực của nền kinh tế, điều này giúp thu hút vốn quốc tế.
Mặt khác, kinh tế Trung Quốc đang hoạt động tốt hơn so với nhiều nước khác. Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như công nghệ sinh học và chế tạo xe điện, đặc biệt thành công. Thành công của Tesla tại Trung Quốc khẳng định điều này.
Những công ty như vậy đã kéo thị trường chứng khoán đi lên. Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường thế giới đang dư thừa và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng tốt. Ngoài ra, trong năm nay, Trung Quốc đã tích cực theo đuổi các cải cách để làm cho nền kinh tế cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Do đó, hiển nhiên, nguồn vốn của thế giới đã vươn tới Trung Quốc.
Nhìn chung, trên phạm vi toàn cầu, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc không quá đáng kể khi một số mã chứng khoán Mỹ tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn “ảm đạm”. Trong bối cảnh này, dòng vốn sẽ đi đến nơi có triển vọng tốt hơn.
Không theo đuổi chính sách lãi suất thấp để kích thích kinh tế như một số nước phương Tây, Trung Quốc tiếp tục tuân thủ chính sách tiền tệ vừa phải, hạn chế trong các biện pháp kích thích có mục tiêu, chủ yếu trong chính sách tài khóa. Thứ nhất là nhằm kiềm lạm phát, điều này rất quan trọng khi đất nước đang muốn kích cầu tiêu dùng trong nước.
Thứ hai, các cơ quan quản lý có đủ khả năng để điều chỉnh trong trường hợp tình hình đột ngột chuyển biến theo hướng xấu đi. Chính sách này đang phát huy hiệu quả. Trong khi doanh số bán ô tô trên toàn thế giới đang giảm mạnh do sức mua sụt giảm, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Tesla đã có lãi trong 5 quý liên tiếp và gần một nửa doanh số của công ty này trong năm ngoái đến từ Trung Quốc.
Cũng nhờ Trung Quốc, các nhà sản xuất hàng xa xỉ đã có thể tồn tại qua năm 2020. Thị trường hàng xa xỉ toàn cầu giảm 23% vào năm ngoái, nhưng ở Trung Quốc, ngược lại, tăng 48% lên 52,9 tỷ USD, với việc Trung Quốc chiếm 1/5 tổng doanh thu toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã nhắc lại tầm quan trọng của các quan chức trong việc tuân thủ mô hình phát triển mới. Điều đó bao gồm cam kết đối với chiến lược “lưu thông kép” - dựa vào thị trường tiêu dùng trong nước trong khi duy trì vòng hoạt động kinh tế ở ngoài nước, cũng như phát triển các đổi mới và đạt được độc lập về công nghệ.
Điều này có nghĩa là bất kể tình hình bên ngoài ra sao, Trung Quốc sẽ phát triển hoạt động kinh doanh công nghệ của mình. Theo kế hoạch đầu tư được thông qua vào năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư 10.000 tỷ NDT (1.400 tỷ USD) vào việc phát triển công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng mới vào năm 2025.
Điều này có lẽ giải thích về sự quan tâm dai dẳng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tác động bên ngoài tiêu cực đối với sự phát triển của Trung Quốc vẫn tồn tại.
Thứ nhất, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở nhiều nước phát triển - các đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc bao gồm Mỹ và EU - vẫn còn rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế và triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Thứ hai, áp lực của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đang gia tăng. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc được cho là có liên quan đến hoạt động quân sự. Sở giao dịch chứng khoán New York cũng đã thông báo hủy niêm yết cổ phiếu của China Mobile, China Unicom và China Telecom.
Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin ở Washington cho biết ông Trump cũng đang xem xét đưa Alibaba và Tencent vào danh sách đen. Những công ty này có lượng cổ phiếu trị giá tổng cộng 1.300 tỷ USD, đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới về vốn hóa trong số các công ty đến từ các nước đang phát triển. Cổ phiếu Alibaba và Tencent đều được tất cả các quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ nắm giữ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận