Yếu tố hỗ trợ đà tăng của thị trường trong thời gian tới?
CTCK Tiên Phong (Tien Phong Securities, Mã: ORS) vừa có báo cáo chiến lược tháng 8/2022.
Theo Chứng khoán Tiên Phong, khả năng cao VN-Index sẽ vẫn duy trì biến động trong kênh giá nhất định ít nhất đến cuối 2022 khi mà triển vọng hồi phục của các nền kinh tế sẽ rõ nét hơn.
KỲ VỌNG T+2 SẼ GIÚP DÒNG TIỀN TRÊN THỊ TRƯỜNG CẢI THIỆN
Trong tháng 07/2022, dòng tiền trên thị trường đánh dấu tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 20.7% mom. Kết quả này đến từ việc cả 03 nhóm nhà đầu tư là cá nhân (nhóm chiếm hơn 80% giá trị toàn thị trường), tổ chức trong nước và khối ngoại đều ghi nhận giá trị giao dịch bình quân lần lượt mất khoảng 19.1%, 22%, 33.9% so với tháng trước.
Đi sâu vào dòng tiền trên thị trường, có thể thấy tâm lý nhà đầu tư cá nhân phần nào đã ổn định hơn khi các thông tin tiêu cực dần bão hòa. Điều này được thể hiện qua việc nhóm này đã đảo chiều sang mua ròng trong tháng qua sau quý 2 bán ròng. Tương tự, khối ngoại tiếp tục duy trì động thái mua vào tháng thứ 4 liên tiếp khi VN-Index và nhiều cổ phiếu đã có mức giá hấp dẫn hơn so với giai đoạn đầu năm 2022. Ngược lại, tổ chức trong nước có chuỗi 3 tháng bán ra với tổng giá trị bán ròng trong thời gian này đạt hơn 4,500 tỷ đồng.
Trong kịch bản nửa cuối năm 2022, TPS đánh giá dòng tiền trên thị trường sẽ có sự hồi phục khi các thông tin tiêu cực đã phản ánh vào thị trường khiến GTGD bình quân theo tháng sụt giảm gần 60% so với đầu năm 2022. Thêm vào đó, quy chế giao dịch mới (t+2) của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối tháng 08 tới sẽ tạo cú hích giúp thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trở về. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của VN-Index sẽ khó có thể trở lại như giai đoạn cuối năm 2021 khi dòng tiền giờ đây phần nào đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 và nỗi sợ lạm phát cũng đã khiến dòng tiền tìm về các kênh đầu tư phòng thủ.
XU HƯỚNG ETF VẪN SẼ SÔI ĐỘNG NHỜ CÁC SẢN PHẨM MỚI
Bước vào tháng 07/2022, xu hướng ETF nở rộ tại Việt Nam đã chững lại khi nhiều chỉ số ghi nhận dòng tiền đi ra, trong đó ETF có dòng tiền mua gom mạnh nhất trong nửa đầu năm 2022 là VFM VNDiamond ETF đã lần đầu tiên ghi nhận giá trị ròng âm hơn 20 triệu USD. Trong khi đó, ETF cũng có lực mua mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 là Fubon FTSE Vietnam tiếp tục ghi nhận giá trị mua ròng dương gần 20 triệu USD.
Nguyên nhân khiến xu hướng ETF có phần chững lãi đã được giải thích ở phần trước khi khối ngoại có động thái mang tính phòng vệ với việc bán ròng trước khi thông tin lãi suất của FED được công bố. Tuy nhiên, nhóm này cũng đã nhanh chóng mua gom trở lại các chứng chỉ ETF ngay khi thông tin về mức tăng lãi suất của FED vẫn ở mức kỳ vọng.
Vì vậy, TPS đánh giá, trong nửa cuối năm 2022, dòng vốn ETF vẫn sôi động nhưng sẽ chỉ tập trung vào các chứng chỉ quỹ ETF có tiềm năng tăng, chẳng hạn như VFMVN Diamond ETF với đặc trưng là danh mục gồm nhiều cổ phiếu kịch room và có triển vọng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, sản phẩm ETF sẽ đa dạng hơn khi hai quỹ ETF mới gồm DCVFM VNMidcap và KIM Growth VNFinselect được tung ra thị trường trong những tháng cuối năm
VN-INDEX VẪN ĐANG Ở VÙNG ĐỊNH GIÁ HẤP DẪN VỚI P/E FW LÀ 11.5X
Kết thúc 7 tháng đầu năm 2022, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 12.8 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16.1x Cho cả năm 2022, TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 11.5x.
Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để mua gom những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao
KỊCH BẢN VN-INDEX THÁNG 08
Trong tháng 08/2022,TPS đưa ra 3 kịch bản về biến động của thị trường như hình trên với kỳ vọng đà giảm của VN-Index đã kết thúc và chỉ số sẽ khó có khả năng giảm sâu hơn nữa sau khi đã chiết khấu hơn 20% từ mức đỉnh tháng 01/2022 và mức sụt giảm này tương đương giai đoạn 2018 (-28.4% từ đỉnh tháng 04/2018 đến đáy tháng 12/2018). Thêm vào đó, kịch bản này dựa trên nhận định rằng các thông tin tiêu cực đã bão hòa và khó có các cú sốc thông tin lập lại như giai đoạn đầu năm nay.
Trong ngắn hạn, rất khó để dự báo chính xác biến động thị trường nhưng chứng tôi vẫn đánh giá thị trường chung đang khả quan nhờ:
(1) Lạm phát toàn cầu có khả năng tạo đỉnh. Theo đó, lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU,… có thể hạ nhiệt từ quý 3 do giá cả một số mặt hàng quan trọng đã điều chỉnh mạnh như: cước vận tải biển, dầu thô, phân bón, than cốc, nikel… Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương thế giới đã thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc nâng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán sẽ góp phần hạ nhiệt lạm phát.
(2) Cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED ở mức kỳ vọng. Tại cuộc họp cuối tháng 07 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên mức mục tiêu 2.25%-2.5%, mức trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo CME Group, thị trường dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo được tổ chức vào ngày 20-21/09/2022. Việc nâng lãi suất thêm 0.75% đúng với kỳ vọng của nhiều tổ chức được kỳ vọng sẽ giúp FED duy trì chính sách tiền tệ mềm mỏng để cùng lúc kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế. Và điều này đã tạo ra cú hích giúp thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam có sự hồi phục mạnh mẽ ở tuần cuối tháng 07.
(3) Thông tin vĩ mô trong nước tích cực. Tiếp đà lạc quan khi GDP quý 2/2022 tăng trưởng vượt xa mức dự báo trung bình từ các tổ chức nghiên cứu thế giới và CPI được kiểm soát tốt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 30/07 đã đưa ra dự báo và cho biết mục tiêu năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận