“Yêu cầu lớn nhất” của ông Blinken bị Trung Quốc từ chối
Chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ Blinken có thể đưa quan hệ Mỹ - Trung đi đúng hướng nhưng khó giải quyết những vấn đề gây chia rẽ giữa 2 quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 19/6 và nói rằng hai bên đã đồng ý “ổn định” mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, chuyến thăm hiếm hoi của ông tới Bắc Kinh dường như không tạo ra bất kỳ bước đột phá nào.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đã rời Bắc Kinh sau khi yêu cầu lớn nhất của ông – nối lại các kênh liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước – bị từ chối.
Vô vàn thách thức
Sau cuộc gặp với ông Tập, ông Blinken cho biết, Trung Quốc chưa sẵn sàng nối lại các liên hệ quân sự với quân đội, điều mà Mỹ coi là rất quan trọng để tránh tính toán sai lầm và xung đột, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Trung Quốc tại Tây bán cầu Dương Đào (Yang Tao) cho rằng chuyến thăm của Blinken tới Trung Quốc “đánh dấu một khởi đầu mới”.
“Phía Mỹ chắc chắn nhận thức được lý do tại sao có khó khăn trong việc trao đổi quân sự", ông Dương cho biết, đồng thời thẳng thắn chỉ ra rằng vấn đề này là do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng không tìm cách cắt đứt với đối tác thương mại lớn nhất hay kiềm chế sự phát triển kinh tế của nước này.
Ông miêu tả những giới hạn mà Mỹ áp đặt đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực an ninh quốc gia nhạy cảm chứ không phải các giới hạn sâu rộng. Bắc Kinh cho đến nay dường như vẫn chưa bị thuyết phục bởi lý lẽ của ông Blinken.
“Chúng tôi không ảo tưởng về những thách thức trong việc quản lý mối quan hệ này. Có nhiều vấn đề mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý”, ông Blinken cho biết.
Mỹ và Trung Quốc cũng vẫn bất hòa về tranh chấp thương mại và sở hữu trí tuệ, quan ngại về nhân quyền, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, và những hạn chế của Mỹ đối với công nghệ tiên tiến.
Kết quả quan trọng nhất
Căng thẳng vẫn còn, nhưng cả ông Blinken và ông Tập đều tuyên bố họ hài lòng với những tiến bộ đạt được trong 2 ngày đàm phán, dù không chỉ ra các lĩnh vực thỏa thuận cụ thể ngoài quyết định chung là quay trở lại một chương trình nghị về hợp tác và cạnh tranh được ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua vào năm 2022 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
Chương trình đó đã bị “chệch quỹ đạo” vào tháng 2, sau khi một khinh khí cầu được cho là gián điệp của Trung Quốc bay qua không phận của Mỹ, khiến ông Blinken phải hủy chuyến đi tới Bắc Kinh và đưa quan hệ Mỹ - Trung xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc quay trở lại các thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo đạt được ở Indonesia là kết quả “quan trọng nhất” sau chuyến thăm của ông Blinken.
“2 bên cũng đã đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Điều này rất tốt”, ông Tập nói mà không giải thích chi tiết, theo bản ghi các nhận xét do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.
Bản thân ông Blinken và các quan chức Mỹ khác không kỳ vọng sẽ có bước đột phá nào khi nói đến những vấn đề gây phiền toái nhất mà hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh đang phải đối mặt.
Thay vào đó, các quan chức này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước thiết lập và duy trì các đường dây liên lạc tốt hơn. Do đó, việc Trung Quốc từ chối nối lại các liên hệ quân sự với quân đội là một trở ngại.
“Rất khó có sự tiến triển. Vấn đề này cần có thời gian, phải mất nhiều hơn một lần”, ông Blinken cho biết.
Chuyến đi của ông Blinken dự kiến sẽ báo trước một loạt chuyến thăm mới của các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc, trong đó có thể bao gồm cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden ở Ấn Độ hoặc Mỹ trong những tháng tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận