Yêu cầu doanh nghiệp duy trì điều kiện suốt đời, sao còn cần thời hạn giấy phép
Đâu là lý do Bộ Công thương muốn bổ sung thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp?
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất có thể chịu thêm điều kiện kinh doanh
Tại sao Bộ Công thương muốn bổ sung thời hạn của Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (Giấy phép).
Câu hỏi này đang được bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đưa ra khi nhận xét về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
“Việc bổ sung thời hạn của Giấy phép sẽ phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, vì mỗi lần gia hạn giấy phép sẽ thêm thủ tục, hồ sơ...”, bà Thảo lý giải lo lắng và cho biết, đã gửi câu hỏi cùng đề xuất bãi bỏ nội dung này tới Bộ Công thương.
Theo khoản 24, Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi điểm a khoản 7 Điều 16 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP viết như sau:
“Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ Công thương quy định thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”.
Nội dung được sửa đổi là phần bổ sung yêu cầu về thời hạn của Giấy phép và thời hạn này sẽ giao cho Bộ Công thương quy định.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP cũng như tại Dự thảo sửa đổi nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định”.
Với quy định này, có thể hiểu là doanh nghiệp phải duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để giữ được Giấy phép. Theo bà Thảo, với yêu cầu này, việc quy định thời hạn cho Giấy phép là không cần thiết.
Lý do vì tuân thủ Luật Hóa chất được ban hành cách đây 15 năm?
Đây không phải là lần đầu tiên những băn khoăn về việc bổ sung thời hạn của Giấy phép trên được đưa ra. Trước đó, trong quá trình góp ý kiến, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cũng đều có kiến nghị xem xét cân nhắc nội dung này, cho rằng nên quy định tại dự thảo Nghị định, thay vì để Bộ Công thương quy định tại thông tư. Lý do là để đồng bộ với các quy định hiện hành về thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Song trong phần giải trình gửi Văn phòng Chính phủ cuối tháng 3/2022, Bộ Công thương cho biết dự kiến sẽ quy định tại Thông tư vì Luật Hóa chất có quy định về thời hạn của Giấy phép do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định...
“Đề nghị Bộ Công thương rà soát và tiếp thu đầy đủ các kiến nghị. Tại sao Bộ Công thương giữ lại quy định về “thời hạn của Giấy phép” trong Dự thảo Nghị định sửa đổi?”, bà Thảo đặt vấn đề khi Luật Hóa chất được ban hành năm 2007, từ đó đến nay đã có rất nhiều thay đổi liên quan đến điều kiện kinh doanh...
Cũng phải nói thêm, Dự thảo sửa đổi Nghị định 113/2017/NĐ-CP đã bãi bỏ, cắt giảm khá nhiều điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, bổ sung các trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, như với các tổ chức, cá nhân hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất tạo ra các hóa chất trung gian thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện để đưa vào quá trình sản xuất, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhận phải xin cấp Giấy phép, giấy chứng nhận.
Trong hồ sơ cấp giấy phép, giấy chứng nhận, Dự thảo bãi bỏ bản giải trình kế hoạch kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép.
Thời gian xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cũng được xác định rõ là 15 ngày, thay vì không quy định như Nghị định 113/2017/NĐ-CP.
Với trường hợp tổ chức, cá nhận vừa sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất, hồ sơ xin giấy phép và giấy chứng nhận được quy định thành 1 bộ hồ sơ, tránh các trùng lặp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận