Yeah1: Từ giấc mơ kỳ lân dang dở đến Hydra của giới truyền thông?
“Sắp tới, biết đâu tôi có thể tự hào về những mảng kinh doanh khác của Yeah1. Trước đây, gãy một đẻ ra mười, giờ Yeah1 có mười, gãy một thì sẽ đẻ ra nhiều cái khác nữa”.
Câu ví von làm ta dễ liên tưởng đến quái vật rồng nhiều đầu Hydra trong thần thoại Hy Lạp, hơn là về một gã khổng lồ truyền thông của Việt Nam - CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG).
Trong thời đại kỹ thuật số, thứ đầu tiên nhiều thanh niên vội vàng chộp lấy khi thức giấc chẳng phải áo, chẳng phải quần, mà có thể là chiếc smartphone để bắt đầu ngày mới. Lướt xem video hay tin tức trên đường tới công sở bằng xe buýt, trở về nhà giải trí với các kênh truyền hình dành cho giới trẻ hay đến rạp xem phim, và rồi…
…“Dominating all screens”…
(tạm dịch: Phủ sóng toàn diện)
… dòng chữ nổi bật hiện trên nền trắng của đoạn phim ngắn giới thiệu về Yeah1.
Báo cáo tài chính (BCTC) vừa công bố của ông lớn truyền thông này ghi nhận gần 190 tỷ đồng từ doanh thu truyền thông truyền thống trong nửa đầu 2019, chủ yếu là quảng cáo trên kênh truyền hình. Và đó chưa phải là tất cả. Doanh thu từ mảng truyền thông kỹ thuật số của Yeah1 xấp xỉ 553 tỷ đồng trong nửa đầu năm, một con số đáng chú ý được tạo ra từ những cú chạm và click.
Nhưng trước khi có những con số của hiện tại, khởi đầu của Yeah1 cũng chỉ khiêm tốn như bao doanh nghiệp khác, với số tiền nhỏ và một giấc mơ lớn. Trở lại năm 2006, với vốn ban đầu 500 triệu đồng và một trang web (www.yeah1.com), doanh thu năm đó của Yeah1 chỉ vỏn vẹn 150 USD. Đến năm 2008, Yeah1 đã sở hữu cộng đồng mạng lớn với hơn 400,000 người dùng và giới thiệu Yeah1TV - kênh truyền hình dành cho giới trẻ. Công ty tiếp tục phát triển thêm các kênh truyền hình trong những năm sau đó.
Mọi việc suôn sẻ cho đến khi mảng kinh doanh chính lúc bấy giờ của Yeah1 - mảng truyền hình - gặp sự cố khiến Công ty mất đi 70% doanh thu.
Nhưng rồi Yeah1 cũng tìm được hướng đi mới kể từ năm 2015, với động lực chính là dịch vụ truyền thông kỹ thuật số. Yeah1 tăng trưởng phi mã khi lần lượt bắt tay với ông lớn công nghệ toàn cầu YouTube, rồi lần lượt đến các đối tác Google, Facebook.
Quá trình phát triển của Yeah1
Doanh thu tăng trưởng mạnh sau cái bắt tay với những ông lớn công nghệ
Nguồn: Bản cáo bạch Yeah1, VietstockFinance tổng hợp
Mải miết chạy, cuối cùng, “cậu bé 13 tuổi” Yeah1 đã gặp phải cú vấp trong năm 2019. Trước sai phạm ở đơn vị Springme - mạng đa kênh thuộc hệ thống Yeah1 Network (Y1N, công ty con của Yeah1), YouTube ra thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với hàng loạt đơn vị kinh doanh mảng đa kênh YouTube MCN của Yeah1.Cú vấp
“Trong một ngày, lượng nội dung của hệ thống Yeah1 đưa lên YouTube có thể so sánh được với lượng nội dung của tất cả đài truyền hình Việt Nam cộng lại”, Chủ tịch Yeah1 - ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 5/2019. Với 400 giờ nội dung mới mỗi ngày nhưng Yeah1 lúc đó chỉ có khoảng 650 nhân sự, trong khi một đài truyền hình sản xuất ra khoảng vài giờ nội dung nhưng có thể cần đến cả trăm con người.
“Tốc độ phát triển của hệ thống Yeah1 khủng khiếp hơn tôi tưởng nên đã phát sinh những vấn đề về hệ thống quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được. Hãy thử hình dung, một đối tác bước vào văn phòng của Yeah1 và đưa một nội dung sai sót lên mạng… là Yeah1 chịu”, ông Tống nói thêm.
Đối diện vấn đề, Công ty tuyên bố sẽ thắt chặt hơn trong việc kiểm soát nội dung thông qua tái cấu trúc bộ máy từ từng công ty thành viên đến Tập đoàn. Yeah1 mới đây cũng cho biết sẽ đầu tư xây dựng công cụ kiểm duyệt nhằm phục vụ những kênh mạng xã hội tại Việt Nam, kể cả công cụ thanh toán.
Không chỉ củng cố bệ đỡ, Ban lãnh đạo Yeah1 xoay trục chiến lược hoạt động sang việc tự phát triển các kênh và thương hiệu tự sở hữu và vận hành (O&O). Thế nhưng, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của ông lớn truyền thông này vẫn chịu ảnh hưởng lớn sau sự cố. Dù doanh thu vẫn tăng trưởng, Yeah1 báo lỗ ròng gần trăm tỷ khi thực hiện trích lập dự phòng gần 90 tỷ đồng liên quan đến hoạt động bán lại ScaleLab LLC - một công ty con vận hành mạng đa kênh (thuộc Y1N).
“Việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung có hiệu lực riêng đối với Y1N nhưng thông tin truyền thông tiêu cực được đăng tải liên tục đã tác động đến một số công ty con khác và ảnh hưởng tổng thể đến doanh thu của toàn Tập đoàn”, Yeah1 cho biết.
Về phía Ban Giám đốc Yeah1, dù tin O&O là chiến lược bền vững với tỷ suất lợi nhuận cao và ít rủi ro hơn, họ cũng đánh giá rằng hướng đi này sẽ cần thời gian để phát triển và hiệu quả tài chính cho các khoản đầu tư vào đầu năm 2019 có thể được ghi nhận trong nửa sau của năm.
“Những năm trước đây, khi Yeah1 gặp trục trặc về việc thương lượng hợp đồng ở mảng truyền hình, chúng tôi gãy nguyên mảng kinh doanh lớn lúc đó, tương ứng gần 70% doanh thu. Đây là bài học giúp Yeah1 phát triển ra nhiều mảng hoạt động khác để tránh phụ thuộc, đương nhiên vẫn xoay quanh về nội dung số.
Bây giờ, nhìn vào mảng YouTube gặp sự cố, dù là một mảng quan trọng của Yeah1 gặp vấn đề nhưng nó cũng sẽ là động lực cho các mảng khác đi lên”, Chủ tịch Tống chia sẻ với người viết trong cuộc phỏng vấn bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2019.
“… Yeah?”
Nhưng không lâu sau sự cố, chiến lược O&O của Yeah1 dần thành hình.
Hiện, ông lớn truyền thông này đang gia tăng đầu tư vào nội dung và đẩy nhanh tiến độ sản xuất các chương trình, xây dựng thư viện nội dung thông qua hợp tác với các đối tác như Nickeloden, TVB, A&E... Cùng với đó, Công ty đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông cho các đối tác đại lý, các thương hiệu lớn.
Yeah1 cũng hợp tác với Universal Music Group nhằm phát triển kênh truyền hình về âm nhạc cho giới trẻ, tập trung sản xuất những nội dung âm nhạc chất lượng cao và các buổi biểu diễn lớn. Việc hợp tác này không chỉ đơn thuần nằm ở mảng truyền hình mà còn mở rộng sang mảng quản lý nghệ sĩ.
Nguồn: Bản tin IR bán niên 2019 của Yeah1
Thêm vào đó, Yeah1 cũng đang từng bước xây dựng mạng lưới người ảnh hưởng (key opinion leaders - KOL) trên nhiều lĩnh vực, với hệ thống dữ liệu và các công cụ phân tích.
Đối với mảng kinh doanh kỹ thuật số đang phát triển mạnh nhất của Công ty - Yeah1 Publishing (Y1P), Yeah1 thúc đẩy việc mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua: Đàm phán mua thêm giấy phép từ các đối tác xuất bản chính thức khác của Google (GCPP); gia tăng hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế; bước chân vào thị trường Pakistan (quốc gia đang phát triển nhanh và chưa có đối tác xuất bản chính thức nào, theo thông tin từ Yeah1). Cùng với đó, Y1P ra mắt Appfast - nền tảng có thể giúp các đối tác tự khởi tạo ứng dụng điện thoại mà không cần tới kiến thức lập trình.
Nguồn: Bản tin IR bán niên 2019 của Yeah1
Thêm một mảng kinh doanh tiềm năng mới nữa là phát hành game trên nền tảng điện thoại di động.
Yeah1 cho biết trước đây đã kết hợp với CTCP 100D (đơn vị hợp tác với những công ty trò chơi lớn trên thế giới nhằm phát hành game trên ứng dụng di động tại Việt Nam) để ra mắt nhiều sản phẩm game tại Việt Nam. Tháng 6/2019, Yeah1 cho ra mắt tựa game đầu tiên và dự định sẽ ra mắt thêm nhiều tựa game mới trong năm 2019.
Nguồn: Bản tin IR bán niên 2019 của Yeah1
“Sắp tới, biết đâu tôi có thể tự hào về những mảng kinh doanh khác của Yeah1. Trước đây, gãy một đẻ ra mười, giờ Yeah1 có mười, gãy một thì sẽ đẻ ra nhiều cái khác nữa”, Chủ tịch Yeah1 nói
.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận