Ý nghĩa của thương vụ Square mua lại Afterpay với giá 29 tỷ USD
Thỏa thuận Square thâu tóm Afterpay với giá 29 tỷ USD là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Australia.
Công ty chuyên về thanh toán trực tuyến "mua trước, trả sau" Afterpay của Australia vừa được bán cho công ty công nghệ tài chính (fintech) Square của Mỹ với mức giá cao trên kỳ vọng là 29 tỷ USD.
Theo chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald, quyết định bán Afterpay của hai nhà sáng lập Anthony Eisen và Nick Molnar là bước đi thông minh.
Chuyên gia Bartholomeusz lý giải, luôn có sự kết hợp của những yếu tố liên quan khi người sáng lập các doanh nghiệp thành công quyết định bán toàn bộ "đứa con tinh thần" của mình. Việc bán Afterpay cho Square là một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Australia.
Đối với Afterpay và hai nhà sáng lập của công ty, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cơn gió lớn thúc đẩy sự phát triển đáng kinh ngạc của công ty này. Được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Australia (ASX), giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cổ phiếu Afterpay (mã APT) có mức giá giao dịch dưới 40 AUD (28,8 USD).
Khi virus SARS-CoV-2 lan rộng, tấn công gần hết các quốc gia trên toàn thế giới, cổ phiếu APT đã nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư và liên tục tăng vọt lên mức trên 150 AUD (108 USD) vào tháng 2/2021.
Đến cuối tháng 6/2021, cổ phiếu APT được giao dịch quanh ngưỡng 130 AUD và tới đầu tháng 7/2021 cổ phiếu này đã giảm xuống dưới ngưỡng 100 AUD. Tính đến ngày 30/7, thời điểm chốt giao dịch giữa Afterpay và Square, cổ phiếu APT có mức giá chốt phiên là 96,66 AUD.
Mức giá đề nghị mua lại của Square cao hơn 30% so với giá chốt cuối ngày của cổ phiếu APT trong phiên giao dịch ngày 30/7, nhưng chỉ cao hơn 10,5% so với mức giá bình quân theo khối lượng giao dịch (VWAP) trong 30 ngày của Afterpay.
Đây có lẽ không phải là tất cả lý do hấp dẫn hai nhà kinh doanh Eisen và Molnar đến mức họ đồng ý bán Afterpay. Công ty hiện vẫn có khả năng tăng trưởng mạnh tính đến thời điểm hiện nay và quy mô thị trường tiềm năng đang ngày càng bùng nổ trên toàn cầu đối với lĩnh vực tài chính công nghệ "mua trước, trả sau".
Cần lưu ý rằng giá cổ phiếu của Afterpay đã giảm hơn 36% chỉ trong vòng hơn một tháng qua. Nguyên nhân của hiện tượng này là tâm lý "háo hức" của người tiêu dùng đối với hình thức "mua trước, trả sau", đặc biệt là thế hệ trẻ, bắt đầu tạo ra một loạt công ty khởi nghiệp tương tự như Afterpay.
Dĩ nhiên, với tư cách là nhà tiên phong, Afterpay có thể "thoải mái" đương đầu với những cạnh tranh đó, thâm nhập vào các thị trường mới ở nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng "phi thường" cùng một mô hình kinh doanh hướng đến người bán nhiều hơn là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu và tác động đến lĩnh vực "mua trước, trả sau" cũng đã thu hút sự chú ý của một nhóm các đối thủ nặng ký trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Họ đã nhận ra mối đe dọa cũng như cơ hội mà mô hình kinh doanh của các công ty khởi nghiệp như Afterpay, Zip Pay và Klarna đang triển khai và ngày càng phát triển này.
"Mua trước, trả sau" là một hình thức tín dụng mới của thế kỷ XXI, khách hàng không cần phải trả tiền ngay lập tức cho người bán mà có thể trả góp dần với nhiều lựa chọn mất phí hoặc không mất phí, hoặc trả lãi suất trong khoảng thời gian cho phép.
Trong phần lớn trường hợp, khách hàng chỉ phải cung cấp một số thông tin cá nhân, và ứng dụng sẽ sử dụng các thuật toán và dữ liệu để phân tích và xét duyệt cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ "mua trước, trả sau" không mới, nhưng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này khác biệt so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và ngân hàng truyền thống ở chỗ họ cung cấp nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí. Người dùng cũng không phải đăng ký hay lập tài khoản, người bán là bên trả phí giao dịch, tính theo phần trăm đơn hàng.
Đổi lại, người bán có thể tăng số lượng hàng bán ra, cải thiện doanh số bán hàng và số lượng khách hàng. Đó là những kỳ vọng mà theo dữ liệu từ phía những nhà cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau", là hoàn toàn thực tế.
Năm ngoái, tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau". Chi tiêu trên các nền tảng "mua trước, trả sau" được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025.
Không ngạc nhiên khi các công ty dịch vụ thanh toán khác, như công ty thẻ tín dụng, ngân hàng và các công ty công nghệ lớn, lại quan tâm đến lĩnh vực "mua trước, trả sau", vì họ đã chứng kiến số lượng giao dịch ở lĩnh vực này tăng vọt trong năm vừa qua.
Nền tảng thanh toán trực tuyến Paypal, ngân hàng Commonwealth của Australia (hiện sở hữu một lượng cổ phần nhỏ trong công ty công nghệ Klarna - nhà phân phối sản phẩm thanh toán "mua trước, trả sau" của Thụy Điển) và cả hai ông lớn trong lĩnh vực thẻ thanh toán thế giới là Visa và Mastercard đều đang ra sức phát triển các sản phẩm "mua trước, trả sau" của riêng họ.
Biến động gần đây nhất của giá cổ phiếu Afterpay xảy ra sau khi xuất hiện thông tin cho biết công ty công nghệ Apple, kết hợp với ngân hàng Goldman Sachs, cũng đang phát triển sản phẩm "mua trước, trả sau". Giá trị vốn hóa trên thị trường của Apple là hơn 2.400 tỷ USD.
Nói cách khác, việc thu hút và tìm kiếm khách hàng, cả ở phía người bán lẫn phía người mua, của các công ty công nghệ tài chính như Afterpay sắp bước vào một giai đoạn mới. Các công ty khởi nghiệp non trẻ sẽ phải cạnh tranh với những "gã khổng lồ", vốn có sẵn một lượng khách hàng riêng rất lớn và trải rộng trên toàn cầu.
Đối với các công ty fintech chuyên về "mua trước, trả sau", nếu không có ý định vươn lên thành một nhà cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng hơn, thì hầu hết đều gần như đã chạm đến đỉnh tăng trưởng.
Ví dụ, hai nhà sáng lập Afterpay là Eisen and Molnar, sau khi kiếm được hàng tỷ đô la lợi nhuận, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm doanh số và sẽ là hợp lý để công ty xem xét một chiến lược rút lui an toàn.
Vì vậy, bất cứ khi nào xuất hiện một cơ hội chuyển đổi mới, như trường hợp Afterpay nhận được đề xuất mua lại của Square, thì tốt hơn hết là nên nắm bắt và tận dụng.
Square do Giám đốc điều hành Jack Dorsey - nhà sáng lập mạng xã hội đình đám Twitter - thành lập. Công ty này được biết đến nhiều nhất về sản phẩm công nghệ kết hợp các dịch vụ mua bán và thanh toán di động thành một dịch vụ duy nhất, dễ sử dụng. Nhưng Square không chỉ dừng lại ở vai trò là một công ty phần cứng, chuyên cung cấp ứng dụng miễn phí.
Square hiện đã phát triển thành một công ty dịch vụ fintech chứ không chỉ là nhà cung cấp các dịch vụ xử lý thanh toán. Square còn là đầu mối hỗ trợ phân tích và bán hàng, cung cấp công cụ quản lý nhân viên và hàng tồn kho, dịch vụ ngân hàng cơ bản và các khoản vay ngắn hạn cho người bán, cũng như giúp họ phát triển các cửa hàng trực tuyến, chương trình giải thưởng, hệ thống quản lý khách hàng và các chiến dịch tiếp thị.
Square sở hữu lượng khách hàng lên đến con số hàng triệu doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty đang mở rộng cơ sở khách hàng của mình để nhắm mục tiêu đến các doanh nghiệp lớn hơn và chủ yếu (85% tổng khối lượng thanh toán) tập trung ở Mỹ.
Ngoài quê hương Australia, một nửa hoạt động kinh doanh (và yếu tố đang phát triển nhanh hơn) của Afterpay là ở Mỹ. Phần còn lại chia đều cho một số thị trường khác, như New Zealand, Canada, Anh, Tây Ban Nha, Italy và Pháp.
Việc kết hợp Afterpay và Square sẽ tạo ra một công ty mới nhiều năng lượng hơn, thu hút các doanh nghiệp tham gia hệ thống tài chính đa dạng của Square mở rộng, bao gồm cả những người bán lớn hơn mà Afterpay có thể thu hút được, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế của Square.
Tương lai này cũng sẽ cung cấp cho khách hàng của Afterpay quyền truy cập vào nhiều thương hiệu và người bán hơn, cung cấp các dịch vụ tài chính ngày càng nhiều của Square, bao gồm chuyển tiền, mua cổ phiếu và tiền điện tử Bitcoin. Việc hợp nhất hai công ty phù hợp với tầm nhìn tham vọng của Afterpay về một doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong lĩnh vực "mua trước, trả sau".
Trong quá trình này, bằng cách tạo ra một công ty trị giá hơn 140 tỷ USD, với nền tảng sản phẩm đa dạng và mạnh mẽ hơn, sự kết hợp của Afterpay và Square mang lại cho Square một triển vọng tốt hơn nhiều so với việc Afterpay giữ nguyên vị thế như một doanh nghiệp độc lập, sống sót sau cuộc tấn công mạnh mẽ của những "gã khổng lồ" tài chính./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận