Xung quanh "những lời tiên đoán tận thế" về việc Nga xâm lược Ukraine
Ukraine ngày 6/2 đã bác bỏ "những lời tiên đoán về ngày tận thế" liên quan tới một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga, sau khi các quan chức Mỹ đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng rằng Nga đang tăng cường chuẩn bị cho một cuộc xâm lược lớn.
Các quan chức Mỹ nói rằng Điện Kremlin đã tập hợp 110.000 quân dọc biên giới của nước này với nước láng giềng thân phương Tây Ukraine, tuy nhiên các đánh giá tình báo chưa xác định được liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực sự quyết định tiến hành cuộc xâm lược hay không.
Theo các quan chức Mỹ, lực lượng Nga được triển khai tới khu vực biên giới đang tăng lên với tốc độ có thể giúp Putin có được sức mạnh mà ông cần - khoảng 150.000 quân - để triển khai một cuộc xâm lược toàn diện vào giữa tháng 2/2022. Họ đánh giá rằng Putin muốn có thể tùy ý sử dụng mọi lựa chọn, từ một chiến dịch hạn chế ở khu vực Donbas thân Nga của Ukraine tới một cuộc xâm lược toàn diện. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nước này đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine.
Được sự ủng hộ của một số đồng minh phương Tây, Kiev liên tục tìm cách giảm bớt những lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra trong khi cố gắng ngăn chặn không để nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của mình bị tổn hại thêm. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter: "Đừng tin vào những lời tiên đoán về ngày tận thế. Mỗi nước có những kịch bản riêng, nhưng Ukraine sẵn sàng cho mọi diễn biến. Ngày nay, Ukraine có một quân đội mạnh, sự ủng hộ quốc tế chưa từng có và niềm tin của người dân Ukraine vào đất nước của mình. Chính kẻ thù mới là người phải sợ chúng ta".
Mykhailo Podolyak - cố vấn của tổng thống Ukraine - nói rằng những động thái mới đây nhất của Nga "không đáng ngạc nhiên" bởi Moskva muốn tiếp tục gây sức ép với Kiev bằng cách tiến hành các đợt luân chuyển, diễn tập và triển khai vũ khí quy mô lớn một cách thường xuyên kể từ khi tập trung lực lượng ở biên giới vào mùa Xuân năm ngoái.
Nỗ lực ngoại giao của châu Âu
Những cảnh báo rõ ràng từ Mỹ - một phần trong nỗ lực có chủ ý của Washington nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Nga - được đưa ra khi châu Âu thúc đẩy xoa dịu cuộc khủng hoảng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moskva ngày 7/2 và Kiev ngày 8/2 để tìm cách giảm leo thang cuộc khủng hoảng và thúc đẩy một kế hoạch hòa bình đang bị đình trệ cho cuộc xung đột bùng phát với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine. Ngày 6/2, Macron đã thảo luận về cuộc khủng hoảng với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết: "Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang được triển khai để đáp lại việc Nga tiếp tục tăng cường triển khai quân ở biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Tổng thống Macron nói với tuần báo JDD: "Chúng ta phải rất thực tế". Ông nói thêm rằng "chúng ta sẽ không có được những động thái đơn phương" từ Nga "nhưng điều cần thiết là tránh để tình hình xấu đi trước khi xây dựng các cơ chế và các động thái có đi có lại thể hiện sự tin tưởng". Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Washington để dự cuộc họp đầu tiên trên cương vị thủ tướng với Tổng thống Mỹ Biden vào ngày 7/2. Tuần sau, nhà lãnh đạo Đức sẽ đến thăm khu vực này để hội đàm với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Các quan chức Mỹ cho biết nếu Moskva lựa chọn một cuộc tấn công toàn diện, lực lượng xâm lược có thể chiếm thủ đô Kiev và lật đổ Zelensky trong vòng 48 giờ. Họ ước tính một cuộc tấn công như vậy sẽ khiến 25.000-50.000 dân thường thiệt mạng, cùng với 5.000-25.000 binh lính Ukraine và 3.000-10.000 lính Nga. Các quan chức này cho biết thêm cuộc tấn công đó cũng có thể gây ra một "trận lũ" người tị nạn từ 1-5 triệu người, chủ yếu là đổ vào Ba Lan.
Nga tăng cường lực lượng
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết năng lực tác chiến của quân đội Nga đang ở mức 70% cần có cho một cuộc xâm lược toàn diện Ukraine và Moskva đang cử thêm các sư đoàn tác chiến đến khu vực biên giới Nga và Ukraine. Một trong hai quan chức Mỹ nói trên tiết lộ với Reuters rằng trong vòng 2 tuần qua, số lượng các sư đoàn tác chiến tại khu vực biên giới Nga và Ukraine đã tăng từ 60 lên 83 tính đến ngày 4/2 và thêm 14 sư đoàn khác đang được huy động. Về thời gian cuộc xâm lược có thể xảy ra, quan chức này cho biết mặt đất của vùng bình nguyên Ukraine sẽ đạt mức băng giá đỉnh điểm vào khoảng ngày 15/2, do đó cho phép quân đội Nga di chuyển các khí tài quân sự, và những điều kiện thời tiết như vậy sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 3/2022.
Khung thời gian, số lượng và năng lực quân sự ngày càng tăng của Nga tại khu vực biên giới với Ukraine có thể cho thấy cánh cửa ngoại giao đang khép dần. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng không đưa ra bằng chứng về nhận định của mình đối với năng lực quân sự của phía Nga. Ngoài ra, Nga cũng đã công bố hoạt động mà họ gọi là cuộc diễn tập quân sự chung với Belarus, nơi Moskva đã điều một số tiểu đoàn đến phía Bắc của Kiev. Vẫn theo các quan chức Mỹ, một lực lượng hải quân lớn của Nga cũng được bố trí ở Biển Đen, được trang bị 5 tàu đổ bộ có thể được sử dụng để đưa quân đổ bộ lên bờ biển phía Nam của Ukraine. Ngoài ra, Nga đã bố trí các máy bay chiến đấu ở gần Ukraine, cũng như các máy bay ném bom, khẩu đội tên lửa và khẩu đội phòng không.
Theo AFP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận