24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xung đột Ukraine sang trang, liệu có leo thang nguy hiểm?

Xung đột Ukraine liệu có leo thang nguy hiểm khi phía Moscow cáo buộc Ukraine đã dùng vũ khí tầm xa tấn công đất Nga, trong đó nhấn mạnh Mỹ tiếp tay cho nỗ lực của Kiev.

Ngày 19-11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã phóng nhiều tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh Bryansk (Nga), theo hãng thông tấn TASS. Theo Bộ này, quân Moscow đã bắn hạ 5 tên lửa ATACMS bằng hệ thống phòng không S-400 và Pantsir, trong khi một tên lửa khác bị hư hại và rơi xuống một địa điểm quân sự của Nga ở Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn.

Tín hiệu leo thang xung đột

Trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng cuộc tấn công của Ukraine là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang cố gắng leo thang tình hình xung đột Ukraine, vì những cuộc tấn công như vậy là không thể nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.

"Việc nhiều ATACMS được sử dụng để tấn công tỉnh Bryansk đêm qua cho thấy họ [phương Tây] muốn leo thang. [Ukraine] không thể sử dụng những tên lửa công nghệ cao này nếu không có Mỹ, và [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã nhiều lần nói điều này" - ông Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 (Brazil).

Ông Lavrov nhắc lại cảnh báo trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống lại lãnh thổ Nga, trong đó coi phương Tây là một bên tham gia trực tiếp cuộc chiến này.

"Chúng tôi sẽ coi đây là giai đoạn mới về tính chất cuộc chiến của phương Tây nhằm vào Nga" - ông Lavrov nhấn mạnh.

Xung đột Ukraine sang trang, liệu có leo thang nguy hiểm?

Một đợt phóng tên lửa ATACMS hồi năm 2022. Ảnh minh hoạ: GETTY IMAGES

Ông Lavrov cũng tuyên bố rằng trong khi Nga vẫn cam kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, phương Tây nên xem xét kỹ lưỡng học thuyết hạt nhân sửa đổi của Moscow, vốn được ông Putin phê chuẩn không lâu sau khi rầm rộ thông tin Washington cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa đánh Nga.

Liên quan vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 19-11 tại Kiev, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky từ chối xác nhận hoặc phủ nhận đã dùng tên lửa ATACMS tấn công sâu vào đất Nga, theo đài CNN.

Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng Ukraine sẽ sử dụng tất cả các khả năng tầm xa trong kho vũ khí để chiến đấu. “Ukraine có UAV tầm xa do chính chúng tôi sản xuất. Chúng tôi có một tên lửa ‘Neptune’ (tên lửa hành trình của Ukraine) và không chỉ một loại như vậy. Giờ đây chúng tôi có thêm ATACMS và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những thứ này” - ông Zelensky nói.

Phần mình, phía Mỹ rất thận trọng khi bình luận. Khi được hỏi về vai trò của Mỹ liên quan vụ Nga cáo buộc Ukraine nã tên lửa ATACMS vào Bryansk, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller từ chối trả lời. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho chính quyền hiện tại ở Ukraine để giúp quân Kiev chiếm ưu thế chiến trường, theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ (state.gov).

Trước đó, CNN cũng dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên xác nhận rằng Ukraine đã thực sự bắn tên lửa ATACMS vào kho vũ khí Nga ở Bryansk rạng sáng 19-11 vừa qua, nói thêm rằng phía Ukraine bắn đến 8 tên lửa ATACMS qua Bryansk và phía Nga chỉ đánh chặn được 2 trong số đó.

Tờ The Times đưa tin rằng lực lượng vũ trang Ukraine hiện nay đang sở hữu khoảng 50 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, và cũng đã có đủ bệ phóng có khả năng bắn dòng tên lửa này, chẳng hạn hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và bệ phóng pháo đa nòng M270.

Nguy hiểm tới mức nào?

Trước thông tin Ukraine nã tên lửa ATACMS vào tỉnh Bryansk rạng sáng 19-11, chuyên gia quân sự và nhà sử học phòng không Nga Yury Knutov nhận định rằng cuộc tấn công nói trên là lời xác nhận Mỹ cho phép Ukraine sử dụng những tên lửa này để tấn công vào lãnh thổ Nga, điều này có nghĩa là trên thực tế Washington đang tuyên chiến với Moscow.

“Đây thực chất là một hành động tuyên chiến với đất nước chúng tôi” - hãng tin Sputnik dẫn lời ông Knutov.

Theo ông Knutov, việc chính quyền Tổng thống Joe Biden và Lầu Năm Góc không xác nhận việc chấp thuận cho Kiev sử dụng tên lửa đó chống lại Nga đơn giản là nhằm mục đích tránh đưa ra tuyên chiến chính thức. Ông lập luận rằng đây là một phần trong kế hoạch của ba quốc gia – Mỹ, Pháp và Anh – nhằm chống lại Nga, chỉ ra rằng Paris và London cũng có động thái cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Scalp (Pháp) và Storm Shadow (Anh) để đánh thẳng vào đất Nga, dù phía Pháp và Anh chưa xác nhận thông tin trên.

Vị chuyên gia cảnh báo rằng những tên lửa ATACMS là khiến hệ thống phòng không của Nga gặp khó, một phần là các tên lửa loại này mà Mỹ gửi cho Ukraine đều mang đầu đạn chùm. Do đó, ngay cả khi một tên lửa như vậy bị đánh chặn, vẫn luôn có nguy cơ đầu đạn của nó phát nổ trong quá trình này và bắn trúng mục tiêu dự định hoặc gây thiệt hại cho bất kỳ thứ gì nằm trong phạm vi đạn chùm phát nổ.

Theo ông Knutov, tình hình này buộc các nhà sản xuất quốc phòng Nga liên tục cải tiến hệ thống phòng không để chúng hoạt động hiệu quả hơn trong việc chống lại các mối đe dọa như tên lửa ATACMS.

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Mykhailo Samus - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân đội, Chuyển đổi và Giải trừ Quân bị ở Ukraine - cho rằng tên lửa ATACMS có thể giúp Ukraine tạo có tác động ngay lập tức trên chiến trường. Ông cho biết các sở chỉ huy, đơn vị quân sự, hệ thống hỗ trợ hậu cần, kho đạn dược, căn cứ hàng không, hệ thống phóng tên lửa, hệ thống phòng không, radar và các tài sản quan trọng khác của Nga đều nằm trong tầm bắn của ATACMS.

Nhưng ngay cả khi Ukraine có thể làm tổn hại đến khả năng chiến đấu của Nga, lực lượng của Kiev vẫn sẽ bị áp đảo về vũ khí và quân số, khi đó lại đòi hỏi phải có những loại vũ khí sát thương cao hơn.

Theo tờ The New York Times, giới quan sát cho rằng khi Ukraine sử dụng vũ khí mới tấn công Nga thì phía Moscow cũng sẽ tìm cách thích nghi để giảm thiệt hại về sau. Ông Jake Mezey - một chuyên gia an ninh người Mỹ - cho rằng mức độ hiệu quả của Nga trong việc đối phó với tên lửa ATACMS sẽ dần tăng lên dù có chậm, khi mà Nga huấn luyện các đội phòng không để giải quyết mối đe dọa mới từ đối thủ.

Washington Post: Ông Biden lần đầu duyệt gửi mìn chống bộ binh tới Ukraine

Ngày 19-11, tờ The Washington Post dẫn lời hai quan chức Mỹ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp thuận gửi mìn chống bộ binh đến Ukraine, đánh dấu một sự thay đổi chính sách lớn khác của chính quyền Washington.

Theo các quan chức này, chính quyền ông Biden rất quan ngại về các cuộc tấn công của Nga vào tiền tuyến của Ukraine trong những tuần gần đây và thấy cần phải ngăn chặn đà tiến này. Trong khi đó, Lầu Năm Góc tin rằng việc viện trợ mìn sẽ giúp làm chậm cuộc tấn công của Nga.

Một quan chức trên cho biết loại mìn chống bộ binh mà Mỹ sẽ gửi cho Ukraine là loại "không tồn tại lâu", nghĩa là mìn tự hủy hoặc mất điện tích pin khiến chúng không hoạt động, làm giảm nguy cơ cho dân thường. Các loại mìn này được thiết kế để trở nên vô hại sau một khoảng thời gian nhất định, dao động từ bốn giờ đến hai tuần.

Mỹ kỳ vọng Ukraine sử dụng các loại mìn này để củng cố các tuyến phòng thủ ở tiền tuyến Ukraine chứ không phải dùng để tấn công ở đất Nga. Mỹ cũng đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ cố gắng hạn chế rủi ro đối với dân thường từ các loại mìn này.

Nhà Trắng, Ukraine, Nga chưa phản hồi về thông tin trên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả