Xung đột Ukraine leo thang lên mức nguy hiểm mới
Xung đột giữa Nga và phương Tây đang trở nên nguy hiểm và khó lường hơn khi vào ngày 30/5, Mỹ cùng hơn 10 đồng minh NATO lần đầu tiên cho phép Ukraine tấn công một số mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây viện trợ.
Xung đột giữa Nga và phương Tây đang trở nên nguy hiểm và khó lường hơn khi vào ngày 30/5, Mỹ cùng hơn 10 đồng minh NATO lần đầu tiên cho phép Ukraine tấn công một số mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây viện trợ.
Ban đầu, phạm vi tấn công của Ukraine bị hạn chế, khi chỉ được phép sử dụng tên lửa tầm ngắn từ bệ phóng HIMARS hoặc pháo binh để tấn công các trạm chỉ huy và kiểm soát, kho vũ khí và các mục tiêu quân sự khác gần khu vực Kharkov. Nhưng nay, Ukraine đã được sử dụng tên lửa đất đối đất tầm xa hơn (ATACMS) để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Trước đây, Nga đã từng cảnh báo việc Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine "sẽ vượt qua lằn ranh đỏ". Đến nay, nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây ngày càng tăng về tần suất và số lượng.
Tuy nhiên, Nga vẫn kiềm chế, không coi đó là thay đổi đáng kể, mà chỉ dùng máy bay phản lực thả bom lượn để tàn phá Ukraine, trong khi Kiev đã không thể đẩy lùi chiến dịch này của Nga do thiếu hệ thống phòng không mạnh mẽ như hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Với vũ khí do phương Tây cung cấp, Ukraine có thể hạn chế khả năng tấn công của không quân Nga bằng cách tấn công các sân bay quân sự Nga.
Các đồng minh phương Tây như Đức và nhiều thành viên NATO khác đã đồng ý với chính sách mới của Mỹ. Ngày càng nhiều thành viên NATO lên tiếng ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ám chỉ có thể cung cấp vũ khí cho các quốc gia để tấn công phương Tây.
Trong cuộc họp báo tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, ông nói: "Nếu ai đó cho rằng có thể cung cấp vũ khí như vậy cho một vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng ta và gây ra vấn đề cho chúng ta, tại sao chúng ta không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho những khu vực trên thế giới mà từ đó các cuộc tấn công sẽ được thực hiện vào các mục tiêu nhạy cảm của những quốc gia làm điều này liên quan đến Nga?".
Với việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, Tổng thống Putin đã đe dọa sẽ đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí cho các đối thủ phương Tây trên toàn thế giới. Trên thực tế, ông Putin đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên vào tháng 6, báo hiệu Moscow có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Putin nhấn mạnh Mỹ và đồng minh đã sai khi cho rằng Nga không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Putin đã cảnh báo các quốc gia NATO rằng việc cho phép Ukraine tấn công trong nước Nga bằng vũ khí của phương Tây là "đùa với lửa" và có thể gây ra một cuộc xung đột toàn cầu.
Ngay từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, ông Putin đã nhiều lần nhắc đến sức mạnh hạt nhân của Nga để ngăn chặn can thiệp của phương Tây. Mỹ và NATO chỉ trích hành động đe dọa hạt nhân này, nhưng chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong động thái hạt nhân của Nga để có thể đáp trả.
Khi cuộc chiến ở Ukraine chuyển hướng có lợi cho Nga, Tổng thống Putin tuyên bố ông không cần vũ khí hạt nhân. Nhưng trước tình hình leo thang tấn công vào lãnh thổ Nga, thông điệp từ Tổng thống Putin gửi tới NATO rất rõ ràng: Đừng đi quá xa trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột với Nga và có thể nhanh chóng biến thành xung đột hạt nhân.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định sử dụng vũ khí hạt nhân khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa. Thông điệp hạt nhân của Nga báo hiệu có thể bắt đầu giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc chiến.
Nga đã tiến hành tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật chiến trường ở miền nam Nga và với Belarus. Điện Kremlin mô tả cuộc tập trận này là phản ứng trước việc phương Tây cân nhắc triển khai quân đội NATO tới Ukraine và cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Dư luận quan ngại Nga có thể sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lãnh thổ, thậm chí có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để ngăn chặn bước tiến của Ukraine. Ông Putin cảnh báo các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp là bước leo thang lớn và các thành viên NATO có thể nhầm lẫn khi trông cậy vào sự bảo vệ của Mỹ nếu Nga tấn công họ.
Vào tháng 5, các cơ sở radar của Nga đã bị máy bay không người lái Ukraine tấn công, làm hỏng một radar ở khu vực Krasnodar.
Một cơ sở tương tự ở phía nam Urals, cách biên giới Ukraine khoảng 1.500km về phía đông cũng là một phần của hệ thống cảnh báo sớm của Nga nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cách xa hàng nghìn km bị tấn công. Cả Nga và Mỹ đều dựa vào các hệ thống như vậy để theo dõi các vụ phóng tên lửa của nhau.
Các cuộc tấn công radar do Ukraine tiến hành có thể được coi là hành động kích hoạt sử dụng vũ khí nguyên tử theo học thuyết hạt nhân của Nga. Tại một diễn đàn vào tháng 6 ở St. Petersburg, ông Putin đã chỉ ra rằng Moscow đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân.
Chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn cho Điện Kremlin tại Moscow đã thúc giục sửa đổi học thuyết theo hướng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi "lợi ích quốc gia cốt lõi bị đe dọa".
Không dừng lại ở việc ký một hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên vào tháng 6, ông Putin còn tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu sản xuất các tên lửa tầm trung vốn bị cấm theo hiệp ước thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà Mỹ và Nga đã hủy bỏ vào năm 2019.
Điện Kremlin không nói Nga sẽ triển khai các loại vũ khí mới bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 ở đâu, trong đó cấm các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như vậy được coi là đặc biệt gây mất ổn định vì có thể tiếp cận mục tiêu nhanh hơn tên lửa đạn đạo ICBM, khiến những người ra quyết định hầu như không có thời gian tính toán, do đó làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu do cảnh báo phóng tên lửa sai.
Cuộc tập trận vũ khí hạt nhân trên chiến trường là một động thái như vậy, trong khi một động thái khác có thể là một cuộc thử nghiệm hạt nhân trên quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực của Nga. Ông Putin đã để ngỏ khả năng tiếp tục các cuộc thử nghiệm vốn bị cấm theo hiệp ước mà Nga đã ký kết, mặc dù ông lưu ý rằng "vẫn chưa cần thiết phải làm như vậy".
Theo một số chuyên gia quân sự, Nga có thể tuyên bố vùng cấm bay trên Biển Đen để hạn chế các chuyến bay trinh sát của Mỹ giúp Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga. Cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga đã đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp không xác định đối với máy bay không người lái của Mỹ tại đây.
Một kịch bản được đặt ra là Nga có thể tiến hành tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Mỹ và châu Âu, tấn công thông thường vào quân đội phương Tây, nếu họ đến Ukraine và tấn công vào các trung tâm hậu cần quân sự cung cấp cho Ukraine trên lãnh thổ các thành viên NATO.
Trong trường hợp này, các căn cứ quân sự của Mỹ cũng có thể bị nhắm mục tiêu. Cao hơn nữa, Nga có thể tấn công hạt nhân vào các mục tiêu của NATO ở châu Âu để buộc đối phương phải ngồi vào đàm phán.
Răn đe hạt nhân chủ động có nghĩa là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong cuộc xung đột đang diễn ra, không nhất thiết phải trên chiến trường và không phải trên lãnh thổ Ukraine. Nga sẽ không để vũ khí hạt nhân ngoài cuộc xung đột nếu bị đánh bại ở Ukraine.
Thế giới nên tập trung nỗ lực thúc đẩy các bên xung đột tìm giải pháp chấm dứt xung đột bằng thương lượng, đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia mỗi bên và an ninh chung. Đó là cách thức phù hợp nhất ngăn chặn xung đột leo thang tới những nấc nguy hiểm mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận