Xung đột thương mại Nhật - Hàn: Bắt đầu một cuộc thương chiến mới?
Nhật Bản bất ngờ hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất điện tử, với lý do “an ninh quốc gia”. Trong bối cảnh cơ chế thương mại tự do toàn cầu đang bị xói mòn bởi những cuộc xung đột thương mại giữa các cường quốc, vụ đụng chạm mới giữa hai nền kinh tế lớn ở Đông Á tiềm ẩn nhiều tác động tai hại.
Mới cuối tháng trước, tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng nước chủ nhà Abe Shinzo lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ trật tự thương mại tự do toàn cầu đang bị cuộc thương chiến Mỹ-Trung làm cho thất điên bát đảo.
Chỉ hai ngày sau đó, ông Abe lại ra lệnh hạn chế quyền tiếp cận của các doanh nghiệp Hàn Quốc với một số sản phẩm hóa chất thiết yếu cho ngành công nghiệp điện tử, với một lý do là “quan ngại về an ninh quốc gia” của Nhật.
Động thái của Nhật rất giống với việc Mỹ hạn chế các công ty công nghệ bán thiết bị và linh kiện cho các công ty Trung Quốc. Trong thực tế, các nước lớn đã nhiều lần sử dụng chiêu bài “an ninh quốc gia” để hạn chế hoặc ngăn cấm một số hành vi thương mại nào đó, dù việc này có thể làm cho tranh chấp thương mại vượt ra ngoài tầm kiểm soát và các cuộc thương chiến xảy ra thường xuyên hơn.
Bryan Mercurio, chuyên gia về luật thương mại quốc tế của Đại học Trung Hoa Hồng Kông nhận định: “Nếu chiêu bài này được dùng thường xuyên thì có nguy cơ nó sẽ phá hủy hoàn toàn hệ thống thương mại quốc tế, làm cho các luật lệ không còn giá trị nữa,” báo The New York Times cho biết.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, các quốc gia bắt đầu đặt ra những luật lệ điều chỉnh hành vi thương mại xuyên biên giới, thành lập tổ chức GATT (Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau này, có vai trò trọng tài thực thi các luật lệ và phân xử các vụ tranh chấp. Cơ chế hợp tác và trật tự thương mại thời hậu chiến đã là nền tảng cho nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới.
Tuy Hiệp định GATT dành ra những “ngoại lệ” cho phép các thành viên WTO được áp dụng một số biện pháp “hạn chế” nhân danh an ninh quốc gia, nhưng các nước hiếm khi sử dụng các hạn chế ấy vì khái niệm “an ninh quốc gia” có thể được hiểu rất rộng rãi và dễ bị lạm dụng. “Rất dễ thấy hầu như chuyện gì cũng có thể liên quan tới an ninh quốc gia. Và nếu tất cả đều quy về an ninh quốc gia thì tất cả mọi luật lệ thương mại đều có thể bị vô hiệu,” bà Tania Voon, chuyên gia luật thương mại quốc tế tại Đại học Melbourne ở Australia nhận định.
Nhưng trong mấy năm gần đây, chiêu bài an ninh quốc gia thường được các cường quốc kinh tế - công khai hay lặng lẽ - sử dụng để hạn chế một số hoạt động thương mại, coi đó như một thứ vũ khí để đe dọa hoặc trấn áp một nước khác nhằm giành một số nhượng bộ nào đó có khi không liên quan gì đến thương mại.
Ở Mỹ chẳng hạn, Tổng thống Donald Trump trộn lẫn an ninh quốc gia với các ưu tiên về kinh tế để tấn công các đối tác thương mại chính, tăng thuế hoặc đe dọa tăng thuế lên các mặt hàng sắt thép, xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Liên hiệp châu Âu; đe dọa tăng thuế để buộc Mexico phải siết chặt chính sách nhập cư. Mới đây nhất, ông Trump viện lý do an ninh để hạn chế các doanh nghiệp công nghệ Mỹ giao dịch với tập đoàn công nghệ Huawei nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhân nhượng trong đàm phán thương mại.
Trung Quốc tuy không công khai nhưng thường sử dụng chiêu bài an ninh quốc gia để cấm các công ty Internet phương Tây hoạt động ở nước này; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm khi tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông; hạn chế nhập khẩu chuối và du lịch để trừng phạt Philippines về tranh chấp Biển Đông; hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi nước này cho phép Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa gần Seoul. Nga hạn chế xe cộ ra và vào lãnh thổ Ukraine vì an ninh quốc gia.
Quyết định của Chính phủ Nhật hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số hóa chất đặc biệt - như các chất fluorinated polyimide, chất cản quang resist và hydrogen fluouride tối cần thiết cho sản xuất linh kiện bán dẫn, màn hình điện thoại thông minh và ti vi màn ảnh lớn - đưa ra hôm 1-7 vừa qua có thể buộc các nhà sản xuất điện tử hàng đầu như Samsung Electronics phải chật vật tìm nguồn cung cấp mới.
Các quan chức Nhật Bản nói rằng một số công ty Hàn Quốc đã không quản lý tốt các hóa chất này - vốn có thể được dùng trong công nghiệp quân sự; họ yêu cầu các công ty Nhật Bản phải xin giấy phép xuất khẩu cho từng lô hàng một - một thủ tục có thể kéo dài tới 90 ngày.
Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc nghi ngờ quyết định này có một động cơ khác: Nhật Bản trả đũa một vụ tranh chấp chính trị đang leo thang giữa hai nước, liên quan tới việc Nhật Bản bồi thường cho những hành vi của quân phiệt Nhật thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Vụ tranh chấp nổi lên sau khi tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc tập đoàn Mitsubishi của Nhật phải bồi thường cho ông Lee Chun-sik, một người Hàn Quốc bị buộc lao động cưỡng bức trong một nhà máy thép của công ty này thời kỳ Nhật chiếm đóng. Do công ty từ chối bồi thường, tòa đã ra lệnh tịch biên tài sản của công ty trên đất Hàn. Chính phủ Nhật nói, trường hợp ông Lee cũng như các trường hợp tương tự, đã được giải quyết theo một hiệp định năm 1965, theo đó mọi việc tồn đọng từ thời chiến tranh đã được “dàn xếp một cách hoàn toàn và cuối cùng”.
Thứ Ba tuần trước, Hàn Quốc đã nộp đơn lên WTO khiếu nại quyết định hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời đề nghị Liên hiệp quốc mở cuộc điều tra. “Nếu cuộc điều tra kết luận rằng chính phủ của chúng tôi không làm gì sai, Nhật Bản phải ngay lập tức rút lại lệnh hạn chế xuất khẩu. Tất nhiên, cũng cần điều tra thấu đáo liệu Nhật Bản có vi phạm pháp luật thương mại hay không,” ông Kim You-geun, một quan chức cao cấp về an ninh quốc gia của Hàn Quốc, nói tại một cuộc họp báo.
Trong khi đó, giới thương nhân nhận thấy các công ty Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung mới vì lo ngại Nhật Bản có thể chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu các hóa chất kể trên. Theo một nhà phân tích của HIS Markit, hiện thời các nhà sản xuất có đủ nguyên liệu để hoạt động và nhu cầu thị trường đang giảm ở cả châu Âu và Trung Quốc nên quyết định của Nhật chưa gây tác động lớn. Nhưng liệu đây chỉ là một “cơn bão trong tách trà” hay là dấu hiệu bước khởi đầu một cuộc thương chiến rộng lớn hơn thì chưa ai xác định được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận