Xung đột ở Israel có thể tác động đến thị trường toàn cầu như thế nào?
Sự leo thang xung đột ở Israel có nguy cơ lan rộng hơn gây ra một cú sốc đối với sự tăng trưởng của thế giới. Các lo ngại đó có thể trở thành hiện thực nếu tình hình căng thẳng không được giải quyết trong hòa bình.
Bloomberg mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc xung đột Israel-Hamas có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng, và thậm chí khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham chiến.
Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đã xảy ra khi cuộc xung đột ở Ukraina diễn ra hồi đầu năm ngoái. Hiện tại, nếu cuộc xung đột tại Israel lan rộng, dòng chảy dầu tại khu vực Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng. Lo ngại này cũng chính là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trong tuần qua.
Xung đột leo thang sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu
Thị trường lo ngại rằng cuộc xung đột sẽ lan rộng và kéo theo sự liên đới của Iran. Trong kịch bản cực đoan, Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này sẽ khiến dòng chảy dầu bị gián đoạn nghiêm trọng khi đây là nơi có đến 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn thế giới được vận chuyển.
Bên cạnh đó, một mối lo ngay trước mắt là Iran sẽ đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu 2 triệu thùng/ngày hiện tại. Bối cảnh thiếu hụt nguồn cung có thể trầm trọng hơn nếu điều này xảy ra. Một nguyên nhân có thể dẫn đến điều đó là Mỹ sẽ gửi quân đến Trung Đông, giá dầu sẽ có thể tăng thêm 20 USD nữa hoặc có thể nhiều hơn.
Rủi ro lạm phát tăng trở lại
Lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt trong năm nay. Tuy nhiên trước bối cảnh các nền kinh tế lớn sắp bước vào chu kỳ nới lỏng và cắt giảm lãi suất, thì rủi ro “làn sóng lạm phát lần 2” xuất hiện, làm gián đoạn kế hoạch của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.
Lạm phát ở các nền kinh tế lớn hiện vẫn ở trên mục tiêu 2%, và trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ khiến cho nỗ lực kìm hãm lạm phát trở nên khó khăn hơn.
Đồng USD sẽ tiếp tục tăng cao
Nhu cầu trú ẩn an toàn đã thúc đẩy đồng USD tăng trong những tháng qua.
Theo một khảo sát của Bank of America thực hiện với sự tham gia của các công ty quản lý quỹ, nhu cầu đầu cơ đồng USD tăng đang là giao dịch sôi động nhất trên thị trường tài chính toàn cầu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức đóng cửa cao nhất 11 tháng ở ngưỡng 107 điểm vào hôm 3/10. Hiện tại, Dollar Index đang dao động quanh ngưỡng 106,5 điểm, tăng gần 6,7% trong vòng 3 tháng trở lại đây, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên gần 3%.
Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ cộng thêm lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cứng rắn hơn so với các nền kinh tế lớn khác được xem là nguyên nhân chính thúc đồng USD tăng giá, theo kết quả khảo sát. 55% công ty quản lý quỹ đưa ra đánh giá như vậy; trong khi 33% cho rằng đồng USD được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trước kịch bản kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh cứng”.
Hơn nữa, khi các bất ổn chính trị vẫn là điểm nóng toàn cầu thì nhu cầu trú ẩn vào đồng USD sẽ vẫn được kỳ vọng tiếp tục tăng lên. USD vẫn đang là đồng tiền dự trữ quan trọng hàng đầu trên toàn cầu .
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận