Xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục mới
Chỉ sau đúng 2 năm cán mốc 400 tỉ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2019 sẽ có thêm trăm tỉ USD và thặng dư thương mại tăng cao.
Thặng dư 11 tỉ USD
Số liệu từ Tổng cục Hải quan sau 11 tháng năm 2019 cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước đạt 472,36 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4/2019 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định với kim ngạch bình quân khoảng 43 tỉ USD/tháng, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam cả năm nay sẽ vượt mốc 500 tỉ USD, chỉ sau đúng 2 năm con số 400 tỉ USD được thiết lập. Đây là con số ấn tượng và rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm nay.
Đóng góp lớn vào con số trên là tổng trị giá xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 241,65 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của Bộ Công thương sau 11 tháng năm nay, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương đều tăng trưởng tốt. Ví dụ XK sang thị trường Nhật Bản tăng 7,6%, XK sang Nga tăng 9,1%, sang Hàn Quốc tăng 10,1%, sang Canada tăng 27,2% hay xuất vào Mexico tăng 29,5%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt 10,9 tỉ USD. Khối doanh nghiệp (DN) trong nước cũng tạo được điểm sáng khi có mức tăng về XK hàng hóa đạt 18,1%, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và cao hơn gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng, chiếm 30,95% tổng kim ngạch XK từ đầu năm đến hết tháng 11, trong khi cùng kỳ năm trước tỷ lệ này là 29,16%.
Đặc biệt, nếu như năm 2017, có 29 mặt hàng cán mốc XK trên 1 tỉ USD thì đến nay, danh sách này đã tăng lên 31 mặt hàng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, việc vượt lên mốc 500 tỉ USD về kim ngạch XNK là thành tích về XK của cả nước, đồng thời điều đó cho thấy độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Việt Nam đã chủ động mở cửa hội nhập và các ngành hàng đều được thúc đẩy tăng tốc. Đáng chú ý như lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước tiến quan trọng khi kim ngạch XK ước tính cả năm nay đạt trên 41 tỉ USD và thặng dư thương mại của ngành này khoảng 9,5 - 10 tỉ USD. “Thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng rộng mở. Sản phẩm Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe ở nhiều thị trường trên thế giới. Bản thân DN trong nước cũng ngày càng tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu mạnh hơn”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Gia tăng sức cạnh tranh
Với 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, trong đó có 12 hiệp định đang thực thi như gần nhất là CPTPP hay EVFTA đã mở ra nhiều thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam. Theo phân tích của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, kim ngạch XK của hàng dệt may xơ sợi cả năm nay ước đạt 39 tỉ USD, tăng gần 9% so với cả năm 2018 nhưng chưa đạt được mục tiêu 40 tỉ USD do các hiệp định thương mại mới đi vào thực hiện nên DN chưa thể khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không làm gia tăng đơn hàng dệt may cho Việt Nam trong khi khiến tổng nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới năm 2019 yếu đi, chỉ tăng 3,4% so với 2018 là 7,33%. Dù vậy, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng XK của ngành này có thể vẫn có tăng trưởng ở mức 10% trong năm 2020 nhưng để tăng cao lên đến 2 chữ số là khó khăn bởi những thách thức của ngành vẫn còn nguyên như không chủ động về nguyên phụ liệu và sự cạnh tranh với nhiều nước ngày càng khốc liệt như Bangladesh, Ấn Độ hay Myanmar và cả Campuchia.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá sau khi lạc quan về tăng trưởng xuất nhập khẩu, các DN đừng quên những thách thức, rủi ro cũng sẽ ngày càng lớn. Khi Việt Nam càng ký nhiều hiệp định thương mại thì sự ràng buộc lẫn nhau giữa các quốc gia càng lớn. Bất kỳ sự biến động nào của thế giới cũng tác động ngay lập tức đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động XNK nói riêng. Do đó để giữ vững được tăng trưởng, giảm bớt các rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì các DN phải nâng cao sức cạnh tranh. “Nâng cao năng suất lao động là vấn đề cốt lõi cũng như DN phải tăng cường tham gia mạnh hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bản thân các bộ ngành, Chính phủ ngoài việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thì phải cảnh giác với các hiện tượng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ như đã cảnh báo nhiều lần”, TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận