Xuất nhập khẩu từ 21-25/9: Điều tra giá đường mía Thái Lan, ô tô nhập tăng mạnh, lô gạo đầu tiên sang EU theo EVFTA
Lô gạo thơm đầu tiên xuất sang EU theo EVFTA, ô tô nhập khẩu tăng mạnh... là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 21-25/9.
Điều tra chống bán phá giá với đường mía xuất xứ từ Thái Lan
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2466/2020/QĐ-BCT, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía, thuộc các mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.99.10 có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã vụ việc: AD13-AS01) theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực mía đường, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan đến áp dụng hạn ngạch thuế quan theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN từ ngày 1/1/2020.
Trong 8 tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã gia tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu chủ yếu là từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm gần 860.000 tấn (cùng kỳ năm 2019 chỉ là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn).
“Nhập khẩu đường mía gia tăng đột biến, là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành sản xuất mía đường ở trong nước”, Bộ Công Thương đánh giá.
Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng đường mía sản xuất ở trong nước niên vụ 2019-2020 ước tính chỉ đạt chưa đến 800.000 tấn, sụt giảm khoảng 400.000 tấn so với niên vụ 2018-2019. Ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp cho cơ quan chức năng các thông tin, bằng chứng cho thấy, sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào thị trường Việt Nam, Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Bộ Công Thương thực hiện điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía theo quy định của pháp luật nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
Theo quy định của Luật Ngoại thương, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.
Bộ Công Thương khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra (mặt hàng đường) cần lưu ý về khả năng có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.
Lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo EVFTA
Sáng 22/9, tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9.
Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu gạo lớn vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 EUR/tấn (2019), 150 EUR/tấn (2020) và 125 EUR/tấn (2021).
Tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD, trong khi từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn gạo thơm. Xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng cho dù chịu tác động từ dịch Covid-19.
Theo thống kê, hằng năm Việt Nam xuất khẩu 6,4-7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với trị giá đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu tháng 9, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 24,3 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 9/2020 (từ ngày 1/9 đến ngày 15/9), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 24,3 tỷ USD, giảm 8,8% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 217,25 tỷ USD, giảm 4,2% (tương ứng giảm tới 9,62 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 144,26 tỷ USD, tăng 9,8% (tương ứng tăng 12,88 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nửa đầu tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 973 triệu USD, qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/9 lên 14,47 tỷ USD.
Ô tô nhập khẩu tháng 8 tăng mạnh
Theo thống kê mới nhất vừa công bố của Tổng cục Hải Quan về tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại cùng linh kiện và phụ tùng ô tô trong tháng 8, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam bất ngờ tăng mạnh, đạt 8.836 xe với giá trị hơn 202 triệu USD.
Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 4.761 chiếc với trị giá đạt gần 108 triệu USD.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, có tổng cộng 53.812 ô tô nguyên chiếc các loại thông quan vào Việt Nam, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo, gần 90% lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam vẫn đến từ 3 thị trường bao gồm Thái Lan với 4.743 xe, Indonesia với 2.523 xe và Trung Quốc với 572 xe.
Cụ thể, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tháng 8 với 6.136 xe được đăng ký tờ khai nhập khẩu, trị giá 126,7 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng tới 91,6% so với tháng trước và chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 2.789 xe và từ Indonesia với 2.433 xe.
Xe vận tải cũng ghi nhận mức tăng trưởng rõ rệt với 2.217 xe được làm thủ tục hải quan vào Việt Nam trong khi tháng trước chỉ ghi nhận 830 xe. Giá trị xe ô tô vận tải nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 8 đạt 55,7 triệu USD, tăng 175,9% so với tháng trước.
Trước đó, theo báo cáo doanh số mới nhất của Hiệp hội Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường Việt trong tháng 8 đạt 20.655 xe, giảm 14% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ trên thị trường đạt 7.786 xe, giảm 2% so với tháng trước và lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 12.869 xe, giảm 20% so với tháng trước.
Như vậy, có thể thấy thị trường ô tô nhập khẩu trong tháng 8 vừa qua không thiếu nguồn cung bởi lượng xe nhập vào cao hơn lượng xe tiêu thụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận