Xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh vì virus Covid-19
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nước khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm %GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.
Mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 300 tỷ USD trong năm 2020 khó thực hiện
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV, Covid-19) gây ra đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc đang lây lan tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Tính đến ngày 15/2, toàn thế giới hiện có 67.100 trường hợp nhiễm bệnh, 1.526 người chết và 8.193 người được chữa khỏi.
Tại Việt Nam có 16 ca dương tính với Covid-19, trong đó 7 trường hợp điều trị khỏi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2020 sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trước sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, đặc biệt là quan hệ giao thương với Trung Quốc. Bởi Việt Nam là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, chung đường biên giới, có sự giao thương kinh tế, thương mại, du lịch và đi lại rất lớn.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch do Covid-19 có tác động toàn diện các mặt trên toàn cầu, từ y tế, giao thông, du lịch, đặc biệt là thương mại.
Theo Thứ trưởng Hải, hiện mới nói nhiều việc ảnh hưởng của dịch đến thương mại, tác động về xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc nhưng thực tế dịch ảnh hưởng rất nhiều đến cả thị trường thứ 3.
Ví dụ, sản phẩm dệt may xuất khẩu rất nhiều sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, thậm chí cả thương mại nội địa.
Riêng với tình hình tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Hải cho hay, chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, do vậy, khi thị trường này có biến động sẽ tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.
Trao đổi với Nhadautu.vn, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, riêng với Việt Nam, sự ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn thể hiện rõ nét hơn vì Trung Quốc là đối tác số 1 về xuất nhập khẩu hàng hoá với Việt Nam, cũng là đối tác đầu tư rất lớn trong nhiều năm trở lại đây. Trung Quốc cũng có quan hệ dịch chuyển lao động và du lịch lớn với Việt Nam.
Theo TS. Võ Trí Thành tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu sẽ càng gây tình trạng chậm phục hồi của xuất nhập khẩu. Điều này tạo ra khó khăn cho công nghiệp, nhiều ngành có tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn bị ảnh hưởng. Vì thế để đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 300 tỷ USD trong năm 2020 như Chính phủ giao là khó.
Trong khi đó, đánh giá sơ bộ về tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tại và Nghiên cứu BIDV cho rằng, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá trị của hàng sản xuất trong nước chiếm 55,5%) và nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 34,04 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt - Trung quý 1, quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng khi từ 29/1/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19 .
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng nông - thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20%) tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do đó, khi giao dịch biên mậu bị hạn chế do các qui trình, thủ tục cần áp dụng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; hoặc khi dịch bệnh lắng dịu, hai nước có thể sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, siết chặt thương mại biên giới, hạn chế giao thương tiểu ngạch; đồng thời bổ sung một số quy định mới về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nguyên liệu, thực phẩm, kiểm dịch…; hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông-lâm-thủy sản… sẽ còn khó khăn.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nước khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm %GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.
Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này).
Điều này cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực (nhất là trong quý 1 và quý 2/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế).
Xuất nhập khẩu giảm mạnh
Từ những phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả cho rằng, trong quý 1, tổng kim ngạch XNK dự báo giảm 19-25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 19-20% và nhập khẩu giảm sâu hơn, khoảng 25% do sức cầu giảm nhẹ cũng như các tác động gián đoạn nêu trên); theo đó, cán cân thương mại thặng dư sẽ hỗ trợ GDP quý 1 tăng thêm 4,48 điểm % so với năm 2019.
Trong quý 2, GDP tăng thêm 3,73 điểm % nhờ tác động từ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (với mức giảm xuất khẩu khoảng 15-16% và nhập khẩu giảm khoảng 7,20%).
Nửa cuối năm, dự báo XNK sẽ phục hồi dần theo diễn biến tích cực của dịch bệnh.
Tính chung cả năm, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cán cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm % so với năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận