24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đào Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất, nhập khẩu ngày 8-11/6: Doanh nghiệp Mỹ thích nhập hàng Việt, vải thiều vào EU nhờ EVFTA, giao thương qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh

Doanh nghiệp Mỹ ưu tiên nguồn cung từ Việt Nam, vải thiều sang EU nhờ EVFTA,… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu.

Xuất khẩu đồ gỗ vượt mong đợi

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành chế biến, XK gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi.

Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch XK gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch XK đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020, một con số kỷ lục.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng XK.

Do đó, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.

Sự gia tăng đơn hàng, tăng kim ngạch XK là niềm vui trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, XK gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì sự gia tăng đơn hàng trong diễn biến dịch bệnh sẽ khiến khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế. Bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm lại phải thực hiện khắt khe theo yêu cầu của khách hàng.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về XK đồ gỗ với thị trường trải rộng khắp 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giao thương cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh

Theo Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 841.797 tấn hàng hóa các loại xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 và lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên.

Riêng tại cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2, tính từ đầu năm đến ngày 30/5 có 21.047 phương tiện chở 355.448 tấn hàng hóa XNK, tăng 34,72% số phương tiện và tăng 20,12% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2020. Trong số hàng hóa XNK, có 255.215 tấn hàng hóa nhập khẩu và 100.233 tấn hàng hóa XK.

Còn tại lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 18.921 phương tiện chở 486.349 tấn hàng hóa XK, tăng 312% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Hoa quả XK là 162.694 tấn; bột sắn 206.419 tấn; thủy hải sản đông lạnh 85.434 tấn; hạt khô và hàng hóa khác 31.802 tấn; tôm, cua sống là 8.107 tấn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã được cơ quan hải quan tuyên truyền hướng dẫn thực hiện biện pháp 5K và tạo thuận lợi trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa được nhanh chóng nhất.

Doanh nghiệp Mỹ ưu tiên tìm nguồn cung từ Việt Nam

Tổng kim ngạch XK hàng hóa 5 tháng đầu năm của Việt Nam sang Mỹ đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước, đưa Mỹ trở thành thị trường XK lớn nhất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Trong 5 năm gần đây, Việt Nam luôn xếp thứ hai về tăng trưởng thị phần XK sang thị trường Mỹ. Từ đầu năm 2021 đến nay, bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ dịch bệnh, XK vào thị trường này vẫn đang tăng trưởng cao và ổn định.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Hữu Tín cho biết: Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác. Trong đó, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế đối tác hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thực tế này cũng không nằm ngoài dự tính của các DN XK. Theo ông Nguyễn Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam những năm gần đây có chuyển biến rõ nét.

Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu. Hiện, đã có hơn 10 nhóm hàng XK vào thị trường Mỹ vượt mốc kim ngạch 1 tỷ USD.

Đánh giá của trang tin Material Handling & Logistics của Mỹ mới đây cho thấy, 43% DN được hỏi tại Mỹ đều khẳng định Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong năm 2021, tăng gấp đôi so với năm trước đó. DN nước này đang có xu hướng chọn Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng.

Xuất, nhập khẩu ngày 8-11/6: Doanh nghiệp Mỹ thích nhập hàng Việt, vải thiều vào EU nhờ EVFTA, giao thương qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh

Trong tuần tới, lô vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang cũng sẽ lên đường chinh phục thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. (Nguồn: Vietnamplus)

Vải thiều Việt hưởng “trái ngọt” từ EVFTA

Chiều 7/6, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Trong tuần tới, lô vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia này.

Tại buổi lễ, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, mặc dù việc tiêu thụ vải thiều năm nay bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ đầu niên vụ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và đặc biệt là XK cho loại trái cây này.

Hiện hàng chục tấn vải thiều của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản, Singapore. Vài ngày tới sẽ là các nước EU - thị trường tiềm năng khoảng 430 triệu dân. Kết quả này đến từ những nỗ lực kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong vụ vải năm 2021.

Hiện EU là thị trường XK thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

80.000 tấn gạo xuất theo hạn ngạch của EVFTA có hiệu lực từ 2022

Theo Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, EU vừa ban hành Quy định thực thi số (EU) 2021/760 sửa đổi các quy định cũ liên quan đến quản lý một số hạn ngạch thuế quan có giấy phép về hạn ngạch XK gạo.

Việc thực thi quy định mới về hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do EU-VN (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Theo đó, mỗi năm, EU sẽ nhập khẩu 80.000 tấn gạo của Việt Nam, bao gồm: 30.000 tấn gạo xát, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Cụ thể, với 30.000 tấn gạo xát được phân bổ như sau: 15.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ 1/1- 31/3; 7.500 tấn cho giai đoạn từ 1/4 - 30/6 và 7.500 tấn cho giai đoạn 1/7 - 30/9. Quý cuối năm (1/10 - 31/12) không được phân bổ hạn ngạch.

Đối với 20.000 tấn gạo xay chưa xát sẽ được phân bổ như sau: 10.000 tấn cho giai đoạn từ 1/1- 31/3; 5.000 tấn cho giai đoạn 1/4 - 30/6 và 5.000 tấn cho giai đoạn 1/7 - 30/9. Quý cuối năm (1/10 - 31/12) cũng không được phân bổ hạn ngạch.

Đối với 30.000 tấn gạo thơm (9 giống Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9,VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào) phân bổ như sau: 15.000 tấn cho giai đoạn từ 1/1 - 31/3; 7.500 tấn cho giai đoạn 1/4 - 30/6 và 7.500 tấn cho giai đoạn 1/7 - 30/9. Cũng như 2 loại gạo trên, gạo thơm không được phân hạn ngạch vào quý cuối năm.

Theo quy định, việc đặt cọc bảo đảm thực thi giấy phép hạn ngạch gạo là 30 Euro/tấn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả