Xuất nhập khẩu khởi sắc nhưng không thể chủ quan
Tiếp nối đà “hưng phấn” của năm 2021, bước vào đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Thậm chí, trong thời gian 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước vẫn tăng mạnh tới 83% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Với kết quả này, nhiều kỷ lục mới sẽ được thiết lập cho dù con đường phía trước còn không ít “chông gai”...
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước từ ngày 29/1 - 6/2/2022 đạt 3,05 tỷ USD, tăng mạnh 83% so với cùng thời điểm năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần, chiếm 48% và nhập khẩu đạt 1,58 tỷ USD, tăng 68% và chiếm 52% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
XUẤT KHẨU ĐÃ VƯƠN TỚI 109 NƯỚC VÀ VÙNG LÃNH THỔ
Tuy nhiên, tính cộng dồn từ đầu năm đến hết ngày 06/02/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sơ bộ đạt 61,85 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 31,26 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng thời gian năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 30,59 tỷ USD, giảm 8,2%.
Nguyên nhân là do cả xuất khẩu, nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 6/02/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 không rơi vào thời gian này cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/02/2022, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại hàng hóa trị giá 0,68 tỷ USD.
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trị giá 631,3 triệu USD, chiếm 43%; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 398,6 triệu USD, chiếm 27,1%; máy móc, thiết bị đạt 87,7 triệu USD, chiếm gần 6%… Như vậy, tổng trị giá xuất khẩu của 03 nhóm mặt hàng lớn nhất này này chiếm 76,1% tổng trị giá xuất khẩu.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 799,4 triệu USD, chiếm 1/2 tổng trị giá nhập khẩu.
Tiếp theo nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại trị giá 242,9 triệu USD, chiếm 15,4%, nhóm mặt hàng máy móc thiết bị các loại trị giá 111,4 triệu USD, chiếm 7,1%… Như vậy, 3 nhóm mặt hàng lớn nhất này đã chiếm 72,5% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết Âm lịch năm nay.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong thời gian 9 ngày Tết Âm lịch năm nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang tất cả 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ).
Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD, chiếm 27,3% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là các thị trường: Hoa Kỳ với 347,6 triệu USD (chiếm 23,7%), Hàn Quốc với 86 triệu USD (chiếm 5,9%), Hồng Công với 59 triệu USD (chiếm 4%), Nhật Bản với 41,8 triệu USD (chiếm 2,8%)…
Cũng trong thời gian 9 ngày nghỉ Tết Âm lịch vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ tất cả 81 nước, vùng lãnh thổ, trong đó, hàng hóa nhiều nhất nhập khẩu có xuất xứ Hàn Quốc với trị giá 547,8 triệu USD, chiếm 34,7% tổng trị giá nhập khẩu.
Tiếp theo hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc với 349 triệu USD (chiếm 22,1%), Hoa Kỳ với 104,7 triệu USD (chiếm 6,6%), Đài Loan với 84,7 triệu USD (chiếm 5,4%), Ireland với 72,1 triệu USD (chiếm 4,5%). Trong thời gian dịp Tết Tân Sửu năm 2021, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ tất cả 57 nước, vùng lãnh thổ.
TRONG CƠ HỘI VẪN CÒN THÁCH THỨC
Năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6 - 6,5%, ngành công thương đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và thậm chí còn cao hơn. Lý do là cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi, nên việc thích ứng dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2022.
Cùng với đó, việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam. Theo đó, năm 2022, xuất khẩu được dự báo sẽ đạt 372 - 380 tỷ USD, tăng 13 - 15%; nhập khẩu đạt 366 - 372 tỷ USD, tăng 11 - 13% so với năm 2021. Như vậy, năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu từ 4 - 8 tỷ USD.
Về triển vọng xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương cho rằng, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.
Trong đó, cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có. Về thị trường, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây.
Dự báo này có cơ sở, bởi theo kết quả khảo sát 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, khi có tới 83,3% số doanh nghiệp cho biết, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong quý 1/2022 tăng hoặc giữ nguyên như quý 4/2021.
Mặc dù, xuất khẩu đã khởi sắc ngay từ đầu năm, nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết.
Đó là yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.
Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Vì thế, để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã tham gia, nhất là các hiệp định thế hệ mới.
Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững, Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường nội địa (100 triệu dân), chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận