24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hùng Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD

Đến trung tuần tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, kết quả cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.

Ngành nào tăng trưởng ấn tượng nhất?

Từ 1-15/10, xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỷ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10. Cụ thể, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với 2,55 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 41,47 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may...

Lũy kế từ đầu năm đến 15/10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 272,74 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD.

Thời gian qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản khả quan, điểm sáng là rau quả. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, rau quả có tăng trưởng ấn tượng nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự báo những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả đang tiếp tục có sự tăng tốc đáng ghi nhận.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đến 80% so với cùng kỳ năm trước và đạt giá trị đến 495 triệu USD. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022. Trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm, đây lần đầu tiên ghi nhận con số này. Trong quý 4/2023, dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỷ USD.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 18/10 bật tăng mạnh 10 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 633 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động ổn định quanh mức 618 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn.

Việc giá gạo của Việt Nam liên tục duy trì ngôi đầu thế giới được các nhà xuất khẩu gạo cho biết, do lượng gạo còn lại để xuất khẩu không còn nhiều. Thêm vào đó, giá gạo nội địa hiện đang ở mức cao và liên tục có điều chỉnh tăng trong tuần này. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 ở An Giang hiện dao động quanh mốc 12.650 - 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 12.950 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 cũng dao động quanh mức 13.200 - 13.250 đồng/kg.

Theo các nhà xuất khẩu gạo, hiện đang vào giai đoạn cuối năm, các nước tiêu thụ chính tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực cho năm 2023 và chuẩn bị cho mùa khô hạn năm 2024. Một nguyên nhân khác là do hiện tượng El Nino dự báo sẽ kéo dài đến quý 1/2024, gây khô hạn nhiều nơi và ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của nhiều nước.

Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD

Ảnh minh họa.

Kịp thời ứng phó khi xuất khẩu sụt giảm

8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm này chậm lại so với mức giảm 16,89% trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2022; chậm lại so với mức giảm 17,62% trong 5 tháng, song tăng 2,55% so với 8 tháng đầu năm 2019.

Nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.

Thị trường giới có nhiều triển vọng theo đó hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 523 tỷ USD

Báo Công Thương dẫn nguồn số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD.

Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 250,2 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15/10 đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.

Theo số liệu trên VOV, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam ước đạt 732 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là tiền đề để Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023.

Trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Trong số các mặt hàng xuất khẩu có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, với hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chủ lực, như: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Để phát huy thế mạnh của mình năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 và Việt Nam tiếp tục duy trì cán cân thương mại có xuất siêu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tp.HCM là địa phương đầu tiên và duy nhất ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 30 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của thành phố tính đến tháng 9/2023 đạt 31,1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Đứng thứ hai là Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 28,66 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Bình Dương (22,51 tỷ USD), Thái Nguyên (20,17 tỷ USD) và Hải Phòng (18,1 tỷ USD), theo báo Giao Thông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả