Xuất khẩu thời 4.0
Trong bối cảnh xung đột thương mại đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu, thương mại điện tử cũng là một giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam giữ được nhịp độ xuất khẩu ổn định hơn.
Hàng Việt xuất ngoại: Giá cao vẫn hot
“Trung Nguyen Sang Tao Ground Coffee Bean 340g Vietnam” là tên chi tiết sản phẩm cà phê bột thương hiệu sản phẩm “Sáng Tạo” của Trung Nguyên, đang được rao bán trên trang thương mại điện tử (TMĐT) Amazon.com của Mỹ. Tại thời điểm này, giá niêm yết của sản phẩm là 25 USD/gói - một mức giá cao “ngất ngưởng”.
Sản phẩm cà phê xay rang đóng gói 340g của thương hiệu Trung Nguyên, sản xuất tại Việt Nam, hiện đang được rao bán trên các trang TMĐT trong nước với giá dao động từ 54-130 nghìn đồng/gói tuỳ chủng loại, tương đương 2,3-5,6 USD/gói. Tuy nhiên cùng là những mặt hàng này, khi tìm kiếm trên Amazon thì giá niêm yết lên đến 24-28 USD/gói, hay cao gấp khoảng 10 lần.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm sản phẩm có xuất xứ Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới “săn lùng” ngay sau khi xuất hiện trên sàn TMĐT lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã tròn 1 năm Amazon hợp tác với các DN trong nước để đưa hàng hoá Việt Nam “lên kệ” và xuất khẩu đi khắp 5 châu.
“Sản phẩm Việt đang bán chạy trên Amazon thường là rất gần gũi với đời sống người dân”, đại diện một DN đã đưa hàng lên sàn TMĐT này chia sẻ. Đó có thể là dầu dừa, dầu tràm, giỏ mây, thắt lưng da, phin pha cà phê… “So sánh về mẫu mã, chất lượng và giá cả, sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. Thậm chí một số mặt hàng như bột quế, mứt dừa… còn thường xuyên trong tình trạng khan hiếm, cháy hàng”, đại diện DN nói trên cho biết.
Sau một năm hợp tác, thống kê của Amazon cho thấy, số nhà bán hàng Việt trên trang TMĐT này đang tăng nhanh hàng đầu châu Á. Những “quả ngọt” này đã chứng minh rằng TMĐT xuyên biên giới đang làm thay đổi giá trị hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm khai thác từ tài nguyên và văn hoá bản địa, mà lâu nay thường bị gắn với định kiến là xuất thô, giá trị gia tăng không cao… Đặc biệt, TMĐT xuyên biên giới cũng đang xóa nhòa bất lợi về mặt quy mô hay tiềm lực tài chính đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nền tảng thương mại trực tuyến sẽ giúp các DNNVV, DN chưa có vốn lớn vẫn có thể xuất khẩu và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu. Hiện nay, khoảng 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, với nguồn vốn và công nghệ hạn chế. Nếu như trước đây, những DN có quy mô không lớn hoặc không nằm trong chuỗi giá trị thường không có cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Nhưng nay, cục diện đã thay đổi. Trong năm vừa qua, các sàn TMĐT lớn như Amazon hay Alibaba đã tích cực tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam, điều này sẽ giúp các DN có thêm kênh xuất khẩu mới.
Ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm. Thậm chí khi muốn mua hàng từ website khác, 80% khách hàng vẫn đọc nhận xét và so sánh giá bán tại Amazon để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Tham gia với Amazon, DN sẽ tiếp cận được với hơn 300 triệu khách hàng thường xuyên và 100 triệu khách hàng VIP; với độ phủ sóng thương hiệu lên tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó là các lợi thế khác như cắt giảm nhân sự bán hàng, nhanh chóng mở rộng quy mô và doanh số…
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu, thì TMĐT cũng được đánh giá là một trong những kênh hiệu quả nhất để DN nhanh chóng tiếp cận mọi thị trường, kể cả những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh xung đột thương mại đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu, TMĐT cũng là một giải pháp để các DN Việt Nam giữ được nhịp độ xuất khẩu ổn định hơn.
Thành công mới chỉ là bước đầu
Khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến đã và đang là một kênh mới nổi, nhất là dưới tác động của làn sóng CMCN 4.0. Sau 1 năm, trang bán hàng trực tuyến hàng đầu thế giới của Mỹ có trang web tiếng Việt, số người Việt tham gia kinh doanh tăng vọt.
Những nỗ lực để đưa TMĐT trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả vẫn chưa dừng tại đó. Tháng 12 vừa qua, Bộ Công thương đã khai trương Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT trong nước. Chia sẻ về sự kiện này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhấn mạnh, tại gian hàng chung này sẽ có các mặt hàng tiêu biểu cho Việt Nam, với chất lượng quản lý tốt nhất và dịch vụ tốt nhất để đưa hàng hóa Việt Nam tới thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết thêm, sau Amazon, cơ quan này đang tích cực xúc tiến đưa hàng Việt lên sàn TMĐT lớn không kém là Alibaba (Trung Quốc) - nơi có thể tiếp cận khoảng 260 triệu người mua hàng. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường có mức tiêu dùng khổng lồ, trong đó mua sắm qua kênh TMĐT chiếm 25% tổng tiêu dùng của nước này. Vì vậy, cục đang chủ trì hợp tác với các tập đoàn lớn về TMĐT của Trung Quốc để xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn của nước này.
Các thương hiệu có uy tín có thể tham gia và phân phối trực tiếp trên sàn TMĐT này. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lưu ý các sản phẩm phải được lựa chọn theo tiêu chí xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn, ngoài ra phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài. Hiện chương trình này đã vào những khâu cuối và dự kiến sẽ sớm khai trương tại Trung Quốc. “Hiện nay, DN Việt Nam gặp khó khăn lớn nhất trong khâu phân phối ở nước ngoài, nếu mở văn phòng thì chi phí hàng tháng rất lớn. Vì vậy, chương trình này không chỉ hỗ trợ về mặt truyền thông mà có cả đội ngũ hỗ trợ về cách thức giao dịch, phân phối…”, ông Hoàng khẳng định.
Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đang tiếp tục chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đồng hành với các DN xuất khẩu Việt Nam thông qua Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT ở nước ngoài, hỗ trợ DN xuất khẩu Việt Nam bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài bằng thương hiệu của DN Việt. Chương trình hiện đang được chuẩn bị ở những khâu cuối cùng với sự tham gia đồng hành của các thương hiệu lớn như TH True Milk, Yến sào Khánh Hoà, Viettel Post… chính thức mở cánh cửa xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Nhưng dù đã gặt hái được một số kết quả tốt, song Bộ Công thương cho rằng đây mới chỉ là những bước đầu tiên. Sau khi đưa được hàng lên các sàn TMĐT, bước tiếp theo phải tập trung vào xây dựng chiến lược, giải quyết các vấn đề khúc mắc trong liên kết như thủ tục hoàn thuế, đăng ký mở tài khoản thông qua hóa đơn điện tử… Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp với các sàn TMĐT để tuyển dụng và hỗ trợ DN Việt Nam đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược nhằm thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa.
Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ xúc tiến mở rộng hoạt động này ra ngoài khu vực TP.HCM và Hà Nội, đến các tỉnh, thành phố và hoạt động hỗ trợ đến các địa phương có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Để xây dựng thương hiệu Việt thực sự vững mạnh trên các sàn TMĐT, cần tập trung nhà cung cấp trong nước với số lượng đủ lớn để xây dựng chuyên trang riêng cho hàng hoá Việt Nam.
“Ví dụ, muốn lập chuyên trang bán thực phẩm Việt thì phải có ít nhất vài trăm nhà cung cấp chứ không thể quá ít, nếu không sẽ có tác dụng ngược. Do đó, còn phải trông chờ vào sự phát triển số nhà bán hàng Việt Nam trên các nền tảng này”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận