Xuất khẩu Trung Quốc tăng kỷ lục dù thiếu điện
Xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc tăng 28,1%, bất chấp những lo ngại về cuộc khủng hoảng điện làm ảnh hưởng hoạt động nhà máy.
Ngày 13/10, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu đã đạt kỷ lục mới trong tháng 9, với 305,7 tỷ USD. Mức tăng trưởng 28,1% đã vượt dự báo trước đó của các nhà kinh tế là 21,5%.
Xuất khẩu là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch, bù đắp cho sức mua nội địa còn yếu. Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chi phí vận chuyển hàng hóa cao, giá nguyên liệu thô tăng, thiếu điện và các hạn chế về môi trường.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu giảm tốc còn 17,6%, thấp hơn mức dự báo trước đó là 20,9%. Kết quả, thặng dư thương mại của nước này là 66,8 tỷ USD. Tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu trong nước suy yếu và suy thoái bất động sản đè nặng lên nền kinh tế.
Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho rằng các nhà máy có thể đã gấp rút hoàn thành đơn hàng trước kỳ nghỉ Quốc khánh một tuần hồi đầu tháng 10, nên giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu.
Còn theo David Qu, Nhà kinh tế Trung Quốc của Bloomberg Economics, tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 9 cho thấy nhu cầu bên ngoài đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng điều đó dường như không đủ để bù đắp áp lực đi xuống do thiếu điện và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, đang làm tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Nhà kinh tế trưởng về thị trường đại lục tại Australia & New Zealand Banking Group, Raymond Yeung, cũng cho rằng các số liệu xuất khẩu không thể bù đắp được sự suy giảm của nền kinh tế trong nước. "Trung Quốc sẽ cần phải vượt qua những hạn chế về nguồn cung trên một số mặt, đặc biệt là tình trạng thiếu điện", vị này nhận định.
Jian Chang, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Barclays thì nhìn nhận, nhu cầu thế giới với hàng hóa Trung Quốc có thể bắt đầu giảm bớt sau khi khách hàng đã đặt mua xong mùa Giáng Sinh. Ông cũng dẫn chứng các chỉ số về đơn hàng xuất khẩu mới, cùng với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đều đã suy yếu hơn trong tháng 9.
Trong khi đó, phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Li Kuiwen, dự báo tăng trưởng thương mại trong quý IV của Trung Quốc có thể chậm lại, do số liệu thương mại của nước này vào cùng kỳ năm ngoái vốn đã cao, bên cạnh các vấn đề hậu cần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận