menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Xuất khẩu trong thời đại kinh tế số

DN cần chú trọng gắn kết mặt hàng với thị trường xuất khẩu để đạt hiệu quả cao.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết tại Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” ngày 27/8/2019, các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu cần theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhất là đối với 2 thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ, hay thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile…

“Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số ở mức khá so với các nước khu vực ASEAN, xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, tỷ lệ người sử dụng Internet cao, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh. Việt Nam thuộc top 3 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia. Vì vậy, đây là những điều kiện rất tốt cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam”, ông Hòa nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng, DNNVV chiếm trên 96% tổng số lượng DN hoạt động tại Việt Nam. Các DN này thường có nguồn vốn và công nghệ hạn chế, do đó, việc hỗ trợ đối tượng này là rất cần thiết, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Ngoài ra, các DN cần nắm vững những quy định trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu về lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, DN cần nhận diện rõ 3 động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, CPTPP và các FTA, kỹ thuật số và thương mại điện tử. Sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, DN cần nhiều nỗ lực hơn để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA giữa Việt Nam với các nước. Người tiêu dùng sẽ có thể kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động khiến việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

“Tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Thế nhưng, mua sắm trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật, bởi vì người tiêu dùng vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các DN thông minh lại đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm liền mạch hơn, tuyệt vời hơn”, ông Hoàng phân tích thêm.

Mặc dù vậy, ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra những vấn đề cần lưu ý với DN trong hoạt động thương thảo hợp đồng xuất nhập khẩu và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Ông nhấn mạnh về xu hướng của các phương thức giao dịch trong bối cảnh kinh tế số; sự hình thành của các nền tảng kinh doanh điện tử, việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bàn giấy sang email, thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử. Xét về quy mô, các DNNVV có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email, cao hơn nhóm DN lớn. Mục đích chính của sử dụng email trong DN vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (74%).

Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và̀ đặc biệt là mạng Internet, các DN Việt Nam đã và đang tận dụng để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) năm 2018, đã có 28% số DN tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử. Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử được công nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cũng rất cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và thua thiệt khi phát sinh tranh chấp trong quá trình giao thương quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại