Xuất khẩu tôm vào EU sụt giảm, EVTFA sẽ là “cứu cánh” của ngành tôm
Sau khi có EVFTA lợi thế canh tranh của tôm Việt ở EU sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết...
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), XK tôm tháng 7/2019 ước đạt 287,866 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 1,73 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 10,3%.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, 10 thị trường chính của XK tôm Việt Nam gồm: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc-Hongkong, Hàn Quốc, Canada, Úc, Asean, Đài Loan và Thụy Sỹ. Trong đó, top 3 thị trường lớn là: EU, Nhật Bản và Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt là 21,1%, 18,8% và 17,7%. Song, EU lại là thị trường có kim ngạch sụt giảm lớn nhất.
Trước tình hình XK tôm vào thị trường EU sụt giảm mạnh, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường tôm Việt tại châu Âu.
Theo TS.Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Vasep, Chủ tịch HĐQT Fimex, tôm chế biến là thế mạnh của Việt Nam và Thái Lan. Trước khi có EVFTA, tôm Việt hưởng ưu đãi GSP nên thuế có thể giảm tới một nửa tuỳ dòng sản phẩm. Trong khi đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan mất ưu đãi này sau năm 2015. Nhờ đó, thị phần tôm Việt ở EU tăng dần 3 năm qua và năm 2018, EU đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm Việt Nam.
Sau khi có EVFTA lợi thế canh tranh của tôm Việt ở EU sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thể hiện hai nội dung. Thứ nhất, tôm Việt bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia. Thứ hai, tôm chế biến có thuế suất rất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%) khiến các đối thủ vừa nêu càng khó lòng cạnh tranh vì chênh lệch giá thành nhập khẩu cao.
“Trình độ chế biến tôm của các DN Việt Nam thuộc cấp cao, và họ sẽ tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh khúc thị phần cao cấp, bởi tôm chế biến cao sẽ có tỉ suất lợi nhuận cao hơn sản phẩm cấp thấp, DN có cơ hội gia tăng lợi nhuận và chia sẻ ít nhiều với người nuôi tôm, tạo cú huých mạnh ngành tôm Việt những năm tới”, ông Lực nói.
Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, có nghĩa là phân khúc thị trường cao cấp rất rộng, còn nhiều dư địa để các DN lựa chọn các hệ thống phân phối vừa tầm cung ứng của mình.
Tuy nhiên, sẽ không dễ tăng trưởng thị phần tôm ở EU nhanh bởi cái gì cũng có cái giá của nó, nếu DN Việt Nam muốn đưa tôm vào các hệ thống phân phối cao thì các cơ sở chế biến phải đáp ứng các quy định nghiêm nhặt, từ quy định chung cho đến quy định riêng của từng hệ thống. Các hệ thống từ EU mua tôm của các DN Việt thuê bên thứ ba, họ có thể vào các cơ sở chế biến bất kỳ lúc nào để kiểm tra thực trạng và sổ sách.
Ngoài việc truy xuất nguồn gốc, phần lớn hệ thống phân phối cao cấp yêu cầu tôm cung ứng phải nuôi đạt chuẩn ASC. Song, hiện nay diện tích nuôi đạt chuẩn ASC của Việt Nam chỉ khoảng 5%.
Tuy nhiên, với hơn 20% thị phần mà tôm Việt đang chiếm giữ tại thị trường EU đã nói lên nỗ lực của các DN các năm qua, và các DN tôm Việt Nam đều lộ rõ niềm vui khi EVFTA vừa được ký kết. Niềm vui đó sẽ trọn vẹn hơn khi có sự đồng hành kịp thời của Chính phủ và Bộ ngành liên quan. Bởi vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể biến lợi thế từ EVFTA thành của cải vật chất tăng thêm như mong đợi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận