Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ và các nước tham gia CPTPP tăng mạnh
Trong khi thị trường Mỹ, Đài Loan, Nga tăng nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam từ 26-70% thì các nước tham gia CPTPP ghi nhận mức nhập khẩu tăng trung bình 34% trong tháng đầu năm 2021.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa thông tin về số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam.
Theo đó, trong tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam đạt hơn 606 triệu USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng hơn 23% này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho ngành thuỷ sản nội địa, trong đó, nổi bật là xuất khẩu cá biển khác tăng 46%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 43%, tôm chân trắng hơn 32% và cá tra tăng gần 22%.
Với thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong khi các thị trường như Mỹ, Đài Loan, Nga tăng nhập lần lượt gần 26%, 60% và 70% thì các nước có tham gia CPTPP ghi nhận mức nhập khẩu tăng trung bình 34%. Trong đó, Úc tăng 105%, Mexico tăng 68% hay Nhật Bản tăng 25%.
Cũng trong tháng 01/2021, cá tra phile đông lạnh (mã HS030462) là sản phẩm đứng đầu vè giá trị xuất khẩu, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam khi tăng đến 53%.
Theo sau đó là tôm chân trắng chế biến, tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu,…
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng cao (từ 41-84%) như bạch tuộc đông lạnh, cá phi lê, cá chế biến, mực ống,…
Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm ghi nhận mức xuất khẩu giảm sâu như tôm chân trắng, tôm sú chế biến, tẩm bột đông lạnh (mã HS16052930) khi giảm đến 63%; tôm sú nguyên con/đông lạnh (mã HS03061719) khi giảm 19%; tôm chân trắng nguyên con đông lạnh (mã HS 03061719) giảm 33%.
Sự sụt giảm của các sản phẩm này được lý giải do nhu cầu giảm với sản phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao và có liên quan đến việc siết chặt kiểm dịch hàng đông lạnh nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường chính trong tiêu thụ sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận