24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hà Ngọc Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng vẫn giảm 1,8% so với tháng 7/2021.

Nửa cuối năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả sẽ khả quan hơn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý II/2022 đạt 830,2 triệu USD, giảm 2,2% so với quý trước, giảm 21,7% so với quý 2/2021. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với năm 2021.

Nửa cuối năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả sẽ khả quan hơn. Tháng 7/2022 xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn. Theo đó, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới. Từ 01/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; ngày 11/7/2022 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành hàng này vẫn chưa thể bứt phá trong năm 2022, nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Về thị trường: Khu vực châu Á là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang khu vực này đang có xu hướng giảm, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh.

Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ và châu Âu tăng tỷ trọng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang châu Mỹ đạt 162,1 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu sang châu Âu đạt 144,4 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là các khu vực có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Do đó, việc nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan

Về chủng loại: Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu quả và quả hạch giảm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, hàng rau củ và hoa tăng.

Chủng loại hàng quả và quả hạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, tuy nhiên trị giá xuất khẩu chủng loại này giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022, đạt 1,1 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chủng loại quả và quả hạch xuất khẩu tới khu vực châu Á chiếm 86% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả và quả hạch. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quả và quả hạch trọng điểm trong khu vực châu Á, vì vậy xuất khẩu quả và quả hạch sang thị trường này giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến chủng loại quả và quả hạch xuất khẩu của Việt Nam giảm. Với chính sách “Zero Covid”, khiến Trung Quốc tiên tục tăng cường các biện pháp phòng dịch, khiến tốc độ giao hàng chậm, hàng hóa bị ùn ứ ở các cửa khẩu, cảng biển. Cùng với đó, tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm chi phí xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn khi giá nông sản không tăng mà thậm chí giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quanThị phần hàng rau quả của Việt Nam tăng tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn

Điều đáng mừng là trong 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, thị phần hàng rau quả của Việt Nam tăng ở phần lớn các thị trường này, trừ thị trường Pháp, Canada và Nhật Bản.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng rau quả (HS 06,07,08 và 20, trong đó HS08 không tính HS 080131 và 080132) lớn nhất thế giới. Trong 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ đạt 25,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,75% tổng trị giá nhập khẩu, tăng 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, dư địa xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Nhưng để xuất khẩu được sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo về chất lượng, độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng xuất khẩu để các nhà bán lẻ có thể đặt hàng dài hạn.

Đức là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 2 trên thế giới, trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Đức đạt 13,1 tỷ USD, giảm 5,5% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Đức trong 5 tháng đầu năm 2022. Để xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Đức, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc những quy định của thị trường Đức.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 10,3 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Với từng loại trái cây, cơ quan kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả của Việt Nam phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ khởi sắc từ nay tới cuối năm

Nguồn: ITC; * Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả