Xuất khẩu rau quả sẽ cán mốc 4 tỷ USD
Ngành rau quả lấy lại đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu sang nhiều thị trường rất khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm và dự báo về đích với 4 tỷ USD.
Thị trường chủ lực hồi phục mạnh
Rau quả là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong nửa đầu năm của toàn ngành nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 6/2021, xuất khẩu rau quả đạt trên 360 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu đà tăng này được duy trì trong những tháng tới, ngành rau quả có thể cán đích với 4 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả đang phục hồi mạnh mẽ tại nhiều thị trường chủ lực. Đặc biệt, cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, khi giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm tới 56% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 1,25 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến nay, có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt. Bên cạnh đó, khoai lang và sầu riêng Việt Nam cũng được Trung Quốc cho phép xuất khẩu tạm thời.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoàng Hà (Lạng Sơn) chia sẻ, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, bởi thời gian gần đây, nước này đã đưa thêm nhiều quy định mới đối với nông sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi người sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
“Để xuất khẩu lâu dài sang Trung Quốc, hàng hóa nông sản phải đáp ứng các quy định về chất lượng, bao bì, quy cách đóng gói, mã số vùng trồng. Thỏa mãn được các yêu cầu này, doanh nghiệp trong nước không lo khó xuất khẩu nông sản”, ông Giang nói.
Chế biến sâu để tăng giá trị
Rau quả đã trở thành ngành hàng xuất khẩu quan trọng từ nhiều năm nay của nông nghiệp Việt. Sự bứt lên của ngành sản xuất này và ghi dấu ấn hàng Việt chất lượng tại nhiều thị trường trên thế giới là kết quả của sự đầu tư đúng hướng. Đó là sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, canh tác an toàn và chế biến sâu qua các nhà máy được đầu tư bài bản.
Nhờ đó, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến giá trị xuất khẩu giảm 12,7%, đạt 3,27 tỷ USD, nhưng điểm sáng là xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao tăng trưởng tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang ASEAN đạt 288,3 triệu USD, tăng 27,3%; sang Mỹ đạt 168,8 triệu UD, tăng 12,5%; sang EU đạt 146,4 triệu USD, tăng 4,9%; sang Hàn Quốc đạt 143,0 triệu USD, tăng 8,5%; sang Nhật Bản đạt 127,7 triệu USD, tăng 4,3%...
Bước sang năm 2021, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục triển khai dự án đầu tư mới để gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu.
Theo kế hoạch, quý IV năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ đưa Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La vào hoạt động. Dự án có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, áp dụng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp, chế biến đến kinh doanh xuất khẩu rau quả, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Ngoài dự án tại Sơn La, Doveco còn sở hữu trung tâm chế biến rau quả quy mô tại Ninh Bình (32.000 tấn sản phẩm/năm) và tại Gia Lai (52.000 tấn sản phẩm/năm). Bên cạnh đó, Doveco đang khảo sát để lập dự án mới tại Tiền Giang, quy mô đầu tư 500 tỷ đồng với các nhà máy, dây chuyền chế biến hiện đại, tự động hóa…
Dự kiến, đầu năm 2022, Nhà máy Chế biến rau quả B’Lao Food của Công ty TNHH B’Lao Food tại Lâm Đồng cũng được đưa vào vận hành giai đoạn I với công suất chế biến 30.000 tấn/năm. Giai đoạn II của Nhà máy sẽ hoàn thành vào quý III/2023, sản lượng chế biến đạt 20.000 tấn thành phẩm/năm.
“Khi đi vào hoạt động, hằng năm, Nhà máy có thể tiêu thụ khoảng 150.000 tấn rau, củ, quả nguyên liệu, tăng giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản”, ông Đặng Ngọc Cẩn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH B’Lao Food cho biết.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận