Xuất khẩu rau quả đầu năm tăng nhẹ
Ước tính, xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến hết tháng 6/2019 ước đạt 2,08 tỷ USD...
Trong khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như thuỷ sản, cà phê, điều, gạo... đều giảm thì kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả lại tăng. Theo ước tính, xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến hết tháng 6/2019 ước đạt 2,08 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 72,6%, với 1,28 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đứng sau thị trường Trung Quốc là thị trường EU đạt 60,16 triệu USD, chiếm 3,4%, tăng mạnh 39,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường các nước Đông Nam Á, 5 tháng đầu năm 2019 đạt 59,08 triệu USD, mặc dù giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ ba.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14,8%, đạt 58,46 triệu USD, chiếm 3,3%; xuất sang Hàn Quốc cũng tăng 18,8% so với cùng kỳ, đạt 55,29 triệu USD, chiếm 3,1%.
Ngoài ra, một số thị trường tuy kim ngạch không lớn nhưng tăng mạnh (trên 100%) trong 5 tháng đầu năm như Indonesia tăng 304,4%, đạt 1,09 triệu USD; Italia tăng 257,9%, đạt 5,57 triệu USD; Lào tăng 185,3%, đạt 10,24 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu rau quả bị sụt giảm mạnh ở một số thị trường như Campuchia giảm 45,5%, đạt 0,96 triệu USD; Nga giảm 24,9%, đạt 11 triệu USD; Malaysia giảm 43%, đạt 13,46 triệu USD.
Trong các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua.
Đến nay đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc đưa thêm một số trái cây như sầu riêng, bưởi, na, roi, dừa, chanh leo... vào thị trường này trong thời gian tới.
Trước đây, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, rất bấp bênh. Song thời gian gần đây, Trung Quốc đã siết chặt đường biên mậu nên việc xuất khẩu tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn. Đổi lại, phía bạn đang mở rộng cửa, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3% - 4% hiện nay.
Theo các chuyên gia, động thái này của Trung Quốc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây bằng con đường chính ngạch; tuy nhiên, để xuất khẩu được theo đường chính ngạch thì trái cây Việt Nam đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Theo đó, các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc cần chú ý 3 điểm trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của hải quan nước này.
Thứ nhất, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu, không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái; đối với mít, yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc; đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc); đối với vải thiều, phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.
Điều đáng lưu ý là, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang tồn tại một số vấn đề như hiện tượng làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản.
Riêng việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm 2018, Nam Ninh nhập khẩu 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn phát hiện hàng nước thứ ba mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ớt nhập khẩu Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ, trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn xuất khẩu ớt vào Trung Quốc...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận